Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo lấy ý kiến mở ngành Khoa học máy tính và Chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm
Ngày 23/01/2024, Trường ĐH Ngoại thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến mở ngành Khoa học máy tính và Chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
 
Hội thảo đã có sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Nhà trường, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, người học, giảng viên và các chuyên gia đến từ các đơn vị đào tạo nhằm đánh giá tổng quan về ngành và chương trình đào tạo.
Hội thảo có sự hiện diện của các nhà quản lý cấp cao đến từ các doanh nghiệp lớn như: Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS); Ngân hàng MB; Công ty Công nghệ Blockchain Tomochain; Hitachi Digital Services; Superfine AL; Datapot Analytics Group,...; và các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong xây dựng chương trình đào tạo đến từ các trường đại học, học viện, như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Học viện Nông Nghiệp,...
Tham dự Hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo; PGS, TS Nguyễn Thị Thuỳ Vinh - Trưởng ban xây dựng và phát triển chương trình; ThS Tô Thị Hải Yến - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Cơ bản; Đại diện của các đơn vị trong trường, các cán bộ, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương đã nhấn mạnh sự phát triển của công nghệ, ứng dụng trong cuộc sống đa lĩnh vực, từ đó cần phải tìm kiếm hướng đi, giải pháp. Hơn nữa, sau 3 năm khảo sát và triển khai chương trình vệ tinh Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh để thăm dò thị trường cũng như chuẩn bị nguồn lực phù hợp, Nhà trường thấy rằng nhu cầu từ phía người sử dụng lao động và người lao động là rất lớn. Đặc biệt có thể thấy xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay cho thấy các trường hàng đầu thế giới như MIT (Mỹ), Nanyang Technological University Nanyang (Singapore),... cũng đã xây dựng các chương trình đào tạo (CTĐT) mang tính liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Xu hướng đào tạo trên thế giới là liên ngành, liên thông, trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp, giúp người học dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.
Chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, PGS, TS Nguyễn Phương Thái - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội đã đưa ra các hướng dẫn chuẩn chương trình đào tạo tính toán cho bậc cử nhân từ Hội máy tính toán (Association for Computing Machinery - ACM) nhằm chỉ ra những khối kiến thức và công tác tổ chức đào tạo được thiết kế để sinh viên phát triển được các năng lực áp dụng công nghệ vào thực tiễn, đặc biệt là trong doanh nghiệp. Thêm vào đó, PGS, TS Nguyễn Phương Thái đã đưa ra những hướng để vận hành, phát triển đào tạo và thách thức trong công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng giáo dục, cùng những gợi ý để đổi mới hoạt động giảng dạy và công tác thực hành, thực tập của khối ngành Kỹ thuật.
Kế tiếp là bài tham luận “Ngành Khoa học máy tính - Ngành học của hiện tại và tương lai” của ThS Trần Tuấn Anh - Giám đốc sản phẩm Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS). Ông Tuấn Anh khẳng định Ngành Khoa học máy tính sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, không thể bị bão hoà bởi nhu cầu về nhân lực và nhu cầu về hệ thống, chuyển đổi số trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là rất lớn. Ông cũng đưa ra yêu cầu về kỹ năng của nhân sự trong bối cảnh hiện tại bao gồm tư duy đa ngành, khả năng linh động áp dụng kiến thức cơ bản và hiểu biết về bối cảnh kinh doanh. Chính vì vậy, ông bày tỏ sự kỳ vọng về ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Ngoại thương, đặc biệt bởi tính ứng dụng cao của chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
 
 
 
 
PGS, TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo và TS Nguyễn Văn Tăng - Đại diện Ban xây dựng CTĐT ngành Khoa học máy tính đã làm rõ triết lý đào tạo cũng như nguyên tắc trong xây dựng CTĐT Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế kinh doanh của Trường ĐH Ngoại thương. PGS, TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh về tư duy, nguyên tắc trong xây dựng chương trình của Trường ĐH Ngoại thương: căn bản, mở và linh hoạt, trong đó Nhà trường vừa tập trung xây dựng những kiến thức nền cơ bản vững chắc cho sinh viên, cùng với khả năng thích ứng với những dịch chuyển nhanh chóng của thị trường. Chương trình cử nhân Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh là chương trình đào tạo định hướng ứng dụng nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức nền tảng về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu và kinh tế - kinh doanh, đồng thời cũng tạo cơ hội để người học có sự linh hoạt, thích nghi với mọi bối cảnh xã hội. TS Nguyễn Văn Tăng đã chỉ ra những đặc thù, những điểm khác biệt trong Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học máy tính và dữ liệu trong Kinh tế và kinh doanh tại Trường ĐH Ngoại thương để gia tăng tính ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh cũng như phát huy được thế mạnh vốn có của Nhà trường.
 
Sau khi lắng nghe những nội dung về triết lý đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, vị trí việc làm đối với người tốt nghiệp cũng như cách tiếp cận và khung Chương trình đào tạo, phần trao đổi ý kiến, thảo luận đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả với các ý kiến góp ý, chia sẻ của các nhà quản lý cấp cao từ các doanh nghiệp, các chuyên gia trong ngành giáo dục, lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Các chuyên gia về xây dựng chương trình đào tạo đều khẳng định CTĐT đảm bảo được các khối kiến thức của ngành khoa học máy tính và đưa ra được nhiều hướng chuyên sâu phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các đại biểu nhấn mạnh về các thế mạnh của Trường ĐH Ngoại thương về đào tạo trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh cùng với chất lượng đầu vào sinh viên tốt, ngoại ngữ giỏi, môi trường đào tạo năng động và sáng tạo sẽ từ đó kỳ vọng rằng chương trình đào tạo về Khoa học máy tính của Trường có sự kết hợp mới mẻ, phù hợp với thời đại và phát huy được thế mạnh của Trường sẽ có sức hút lớn và tạo ra những nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động của toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi Việt Nam.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS, TS Vũ Thị Hiền gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị diễn giả, các khách mời đã dành thời gian tham dự Hội thảo và chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn và những góp ý quý báu, góp phần giúp Nhà trường xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính trong kinh tế và kinh doanh. Đồng thời, Cô cũng hoan nghênh và bày tỏ mong muốn các chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cùng Nhà trường trong thời gian tới để triển khai Chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh nói riêng, các CTĐT của Nhà trường nói chung.