Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Tọa đàm “Tiếp cận Tài chính và Tài trợ Thương mại”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 23/2/2024, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức thành công Tọa đàm với chủ đề “Tiếp cận Tài chính và Tài trợ Thương mại” (Access to Finance, including of Trade Finance) trong khuôn khổ Chương trình WTO Chair giai đoạn 2022 - 2026.

 Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có sự hiện diện của: TS Marc Auboin – Cố vấn viên, Phòng Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Bà Nathalie Louat - Giám đốc Thương mại & Tài chính Chuỗi cung ứng của Nhóm các Tổ chức Tài chính tại Công ty Tài chính Quốc tế (IFC); Bà Susanne Kavelaar - Giám đốc Toàn cầu về Tư vấn Thương mại và Phát triển Kinh doanh Thương mại cho các nước Nam Phi, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC); Bà Trương Thị Diệu Quế - Giám đốc Trung tâm Tài trợ Thương mại, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); đại diện các đại sứ quán, các tổ chức và doanh nghiệp.

Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương (FTU - WCP); TS Vũ Kim Ngân – Phó Giám đốc Chương trình FTU - WCP; Trưởng, Phó một số đơn vị trong Trường cùng với các giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại quốc tế, và khẳng định thương mại quốc tế chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi hoạt động tài trợ thương mại được đáp ứng một cách đầy đủ. Tọa đàm góp phần làm rõ các vấn đề liên quan tới tiếp cận tài chính của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thêm vào đó, Tọa đàm này cũng đánh dấu chuỗi sự kiện trong năm thứ ba hoạt động của chương trình FTU - WCP.

Đồng phát biểu tại Tọa đàm, TS Marc Auboin – Cố vấn viên, Phòng Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê, WTO đã bày tỏ sự cảm kích và đánh giá cao những nỗ lực của trường ĐH Ngoại thương trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác đa phương, hỗ trợ cộng đồng liên quan đến thương mại quốc tế.

Trong khuôn khổ chương trình, đại diện Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã trình bày kết quả của Nghiên cứu “Tài trợ Thương mại ở khu vực sông Mekong” được đồng thực hiện bởi WTO và IFC vào năm 2023. Ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam tạo thành một trong những khu vực hội nhập và dẫn đầu về thương mại trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng thương mại được hỗ trợ bởi tài trợ thương mại còn hạn chế. Rào cản lớn nhất theo báo cáo của các ngân hàng bao gồm rủi ro nội bộ và tài sản thế chấp của khách hàng. Việc gia tăng tài trợ thương mại có thể giúp tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế này vào thương mại thế giới. Cụ thể, cải thiện sự tiếp cận tài trợ thương mại có thể phát triển thương mại từ 5% đến 9%, tương ứng với con số tăng trưởng cố định trong khối lượng thương mại hàng hóa hàng năm là 3,5 tỷ đô ở Campuchia và 55 tỷ đô ở Việt Nam. Thêm nữa, nghiên cứu khẳng định mức độ tiếp nhận tài chính chuỗi cung ứng (Supply Chain Finance) thấp hơn so với các công cụ tài trợ thương mại truyền thống. Nghiên cứu sau đó đề xuất các chiến lược nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài trợ thương mại của các nhà sản xuất trong nước và gia tăng hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu như: Đa dạng hóa phạm vi sản phẩm tài trợ thương mại, cải thiện khung pháp lý, mở rộng tệp khách hàng địa phương hay nâng cao năng lực của ngân hàng.

Phiên thảo luận bàn tròn sau đó được điều phối bởi TS Marc Auboin, và có sự tham gia của TS Trần Thu Trang – Chuyên gia Kinh tế cấp cao, IFC; Bà Trương Thị Diệu Quế - Giám đốc Trung tâm Tài trợ Thương mại, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); PGS, TS Kim Hương Trang – Giảng viên Trường ĐH Ngoại thương. Các chuyên gia tiến hành thảo luận để làm rõ các vấn đề liên quan tới việc tiếp cận các khoản vay ngắn và dài hạn nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như giải đáp những thắc mắc của khách mời cũng như các giảng viên và sinh viên tham dự Tọa đàm, bao gồm trao đổi về việc thu thập dữ liệu nghiên cứu, những thách thức và cơ hội mà doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, và thực tế tiếp cận tài trợ thương mại của các công ty tại Việt Nam.

Kết thúc phiên Thảo luận, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương phát biểu bế mạc và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những vị khách quý, các chuyên gia, các đồng nghiệp và đại diện từ nhiều lĩnh vực khác nhau vì những đóng góp quý giá cho thành công của Tọa đàm: “Tiếp cận Tài chính và Tài trợ Thương mại", hướng tới một thế giới mà khả năng tiếp cận tài chính, trong đó có tài trợ thương mại, không còn là rào cản mà là cầu nối đến sự thịnh vượng và tăng trưởng.