Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Toạ đàm “Đào tạo sau đại học trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 16/04/2024, Khoa Kinh tế quốc tế (KTQT) đã tổ chức Toạ đàm “Đào tạo sau đại học trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế số, kinh tế xanh” nhằm mục đích cung cấp những thông tin hữu ích, cũng như giải đáp, tháo gỡ các thắc mắc, phân vân của sinh viên và những người quan tâm về các chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành Kinh tế quốc tế do Khoa KTQT quản lý.

 

Đến tham dự tọa đàm, về phía các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và khách mời có: TS Lê Linh Lương - Trưởng Văn phòng Đại diện Hà Nội - Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII; Ông Đào Chiến Thắng – Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (FAA), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toyota Long Biên; Ông Hồ Anh Thắng – Giám đốc Tự động hoá Tập đoàn TNTech; Bà Hoàng Thu Thảo - Giám đốc phát triển chương trình Onschool Edtech Group; Bà Nguyễn Thị Thu Hương – CEO VMO Academy; Bà Đặng Hồng Ngọc – Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế VMO Academy; Bà Trần Xuân Quỳnh – Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần công nghệ dịch vụ HPT; Ông Nguyễn Phi Anh – Nghiên cứu sinh Chương trình Tiến sỹ Kinh tế Quốc tế; Giám đốc Kinh doanh Công ty Meijibio Việt Nam; Ông Hoàng Văn Toàn - Cao học viên Chương trình Thạc sỹ MIE5 hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI; Ông Huỳnh Quốc Hùng – Cao học viên Chương trình Thạc sỹ MITPL11A hiện đang công tác tại Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế; PGS, TS Tăng Văn Nghĩa - Trưởng khoa Sau Đại học; TS Nguyễn Văn Cảnh - Phó Trưởng Khoa Sau Đại học; PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh - Phó Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế cùng đông đảo các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên các chương trình đào tạo của Khoa Kinh tế quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Hoàng Xuân Bình đã gửi lời chào mừng và lời cảm ơn chân thành đến các quý vị đại biểu, quý vị khách quý, cùng các giảng viên và sinh viên đã đến tham dự tọa đàm. PGS, TS Hoàng Xuân Bình cho biết các chương trình đào tạo của Khoa luôn có sự đổi mới, cải tiến để phù hợp với những yêu cầu mới của Bộ Giáo dục đào tạo và Nhà trường cũng như nhu cầu của học viên. Chính vì vậy, tọa đàm này được Khoa KTQT tổ chức nhằm chia sẻ cùng sinh viên và các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp những điểm nổi bật của chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ do Khoa phụ trách, từ đó giúp cho người học và các đơn vị sử dụng lao động có được cái nhìn đa chiều về chương trình đào tạo sau đại học của Khoa, điều này phần nào cũng cho thấy các chương trình đào tạo sau đại học của Khoa đang ngày càng toàn diện và gắn kết chặt chẽ hơn nữa với nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp.

Tiếp nối chương trình, PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh đã cung cấp cho sinh viên và những người tham dự những thông tin chi tiết và hữu ích về các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do Khoa phụ trách. Về nội dung, chương trình đào tạo ngành Kinh tế quốc tế của Khoa trong bối cảnh mới xây dựng nền kinh tế số kinh tế xanh đã được cập nhật các môn học mới như Kinh tế số, Kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn hay phân tích dữ liệu, trong đó có sự đồng giảng của các lãnh đạo các công ty công nghệ, các diễn giả từ các cơ quan chính phủ. Về chính sách tuyển sinh, PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh cũng mang đến cho tọa đàm những thông tin về chính sách ưu đãi mà Trường ĐH Ngoại thương dành cho sinh viên của trường như: tích lũy đến 15 tín chỉ chương trình cao học trong thời gian học ở bậc đại học, từ đó rút ngắn thời gian đào tạo thạc sĩ; giảm 10% học phí cho các sinh viên của trường khi trúng tuyển vào các chương trình đào tạo sau đại học trong vòng 1 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, miễn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tốt nghiệp đại học trong vòng 2 năm trở lại đây. Đây đều là những ưu điểm đặc biệt nhằm khuyến khích các bạn sinh viên tiếp tục rèn luyện và nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Bên cạnh đó, đối với các sinh viên đăng ký các chương trình đào tạo sau đại học do Khoa quản lý, Khoa sẽ hỗ trợ viết đề xuất nghiên cứu để thi tuyển vào các chương trình Thạc sĩ định hướng nghiên cứu và Tiến sĩ, hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu chuyên sâu, cũng như tư vấn cách viết bài và đăng bài trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

Cũng trong buổi tọa đàm, các khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, các học viên và cựu học viên, cùng với đại diện Khoa KTQT đã có cuộc thảo luận bàn tròn, cung cấp cho sinh viên những thông tin bổ ích về kinh nghiệm học tập bậc sau đại học, những giá trị mà các chương trình đào tạo sau đại học của Khoa mang đến cho học viên, cũng như sự phù hợp, hữu ích của các chương trình đào tạo này với các công việc thực tế. Đại diện phía các hiệp hội và doanh nghiệp, TS. Lê Linh Lương, Trưởng Văn phòng Đại diện Hà Nội - Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII và Bà Nguyễn Thị Thu Hương – CEO VMO Academy đều đánh giá cao khả năng tự nghiên cứu, tìm tòi của sinh viên Ngoại thương nói chung và sinh viên, học viên của Khoa KTQT nói riêng, đặc biệt sinh viên, học viên Khoa Kinh tế quốc tế có kiến thức nền tảng rất tốt, cầu tiến và ham học hỏi.

Ông Hồ Anh Thắng – Giám đốc Tự động hoá Tập đoàn TNTech và Bà Hoàng Thu Thảo - Giám đốc phát triển chương trình Onschool Edtech Group đều chia sẻ rằng sinh viên, học viên các ngành đào tạo sau đại học của khoa về kinh tế quốc tế và luật thương mại quốc tế chính là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Các sinh viên, học viên của trường ĐH Ngoại thương, cũng như của Khoa KTQT đều được đào tạo rất tốt và tiếp cận với những xu hướng mới nhất của kinh tế thế giới hiện nay.

Đại diện các học viên tiến sĩ KTQT, Ông Nguyễn Phi Anh – Giám đốc Kinh doanh Công ty Meijibio Việt Nam, cựu sinh viên trường ĐH Ngoại thương khóa 43 và đã hoàn thành 2 bằng thạc sĩ tại ĐH Dolphin của Pháp, ông cho biết chương trình đào tạo Tiến sĩ Kinh tế quốc tế có cách tiếp cận phù hợp với thị trường lao động và đáp ứng rất tốt những yêu cầu thực tiễn, đặc biệt, quá trình đào tạo tiến sĩ Kinh tế quốc tế đã giúp ông có những thay đổi lớn về tư duy, cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Ông Nguyễn Phi Anh cũng chia sẻ sự bất ngờ của mình về các chương trình đào tạo Kinh tế quốc tế và phương pháp đào tạo tại trường sau nhiều năm quay trở lại học. Ông khẳng định học sau đại học tại Trường ĐH Ngoại thương là một lựa chọn tốt khi có thể học chất lượng với chi phí thấp, hơn nữa học viên có thể có cơ hội đi học trao đổi trong vài tháng tại nước ngoài nếu muốn.

Đại diện cho các học viên thạc sĩ chương trình MIE và MITPL đến chia sẻ tại toạ đàm, Ông Hoàng Văn Toàn - Cao học viên Chương trình Thạc sỹ MIE5 hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI và Ông Huỳnh Quốc Hùng – Cao học viên Chương trình Thạc sỹ MITPL11A hiện đang công tác tại Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương đều đánh giá cao những công cụ xử lý và phân tích dữ liệu cũng như các kỹ năng mềm như sắp xếp, quản lý thời gian, thuyết trình được đào tạo tại các chương trình sau đại học của Khoa KTQT, bên cạnh việc nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu như các diễn giả khác đã chia sẻ Qua thảo luận trao đổi, các diễn giả là các lãnh đạo viện nghiên cứu hay giám đốc các công ty công nghệ đều cho rằng chương trình đào tạo Kinh tế quốc tế do Khoa KTQT phụ trách chuyên môn không chỉ tiệm cận với các Chương trình KTQT thế giới mà còn có sự cập nhật với sự thay đổi của kinh tế thế giới qua các môn học như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phân tích dữ liệu cũng như cách tiếp cận mới trong phương pháp giảng dạy kết hợp với các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động đồng giảng dạy kết hợp với công nghệ giáo dục tiên tiến.

Trong phần thảo luận bàn tròn, các em sinh viên cũng đã có cơ hội trao đổi trực tiếp cho các diễn giả tham gia tọa đàm. Các em sinh viên đã rất hăng hái đặt ra nhiều câu hỏi và nhận được những câu trả lời và tư vấn cụ thể, chi tiết từ các diễn giả của tọa đàm.