Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang đã diễn ra vô cùng sâu rộng và mạnh mẽ trong những năm qua. Một trong những minh chứng của sự hội nhập này là việc tham gia kí kết các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại dự do (FTA).
Trong đó, các FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa cũng như thể hiện năng lực sản xuất và vị thế của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới. Trong bối cảnh đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) từ nước ngoài. Các doanh nghiệp không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra có khả năng cao nhận được kết quả bất lợi, thể hiện bởi việc phải chịu mức thuế cao khi xuất khẩu vào thị trường áp dụng biện pháp PVTM. Trong khi đó, các công cụ PVTM nếu được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu.
Phòng vệ thương mại, bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, được quy định cả trong khuôn khổ WTO cũng như các FTA song phương và đa phương. Việc tìm hiểu các nội dung về phòng vệ thương mại là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam để chủ động ứng phó kịp thời trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trở thành đối tượng bị nước ngoài điều tra PVTM. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất nội địa Việt Nam cũng cần nắm vững quy định và chủ động áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước bối cảnh nhập khẩu các mặt hàng vào thị trường Việt Nam gia tăng nhanh chóng.
Với vai trò là cầu nối lan toả tri thức về các vấn đề thương mại quốc tế, Ban Quản lý Chương trình WTO Chair giai đoạn 3 tại trường Đại học Ngoại thương (WTO Chair Programme Phase III, viết tắt WCP–FTU) sẽ tổ chức Hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế”. Trên cơ sở phân tích các nội dung về phòng vệ thương mại, Hội thảo sẽ trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam chủ động vận dụng và ứng phó kịp thời với các vụ việc về phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ hợp lý các nhà sản xuất nội địa.
Tại hội thảo, các đại diện đến từ Cục Phòng vệ thương mại (TRAV), Trường ĐH Ngoại thương (FTU) và Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) sẽ trình bày thực trạng áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu cũng như kinh nghiệm ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Theo sau đó, các chuyên gia sẽ cùng tham gia phiên thảo luận bàn tròn để trao đổi về thực tiễn kháng kiện (tại nước ngoài) và khởi kiện (tại Việt Nam), kinh nghiệm, khó khăn và vướng mắc của các doanh nghiệp và Hiệp hội, từ đó đề xuất giải pháp để chủ động vận dụng và ứng phó đối với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thông tin chi tiết về Hội thảo:
+ Thời gian: Thứ Ba, ngày 06 tháng 08 năm 2024.
+ Địa điểm: Tầng 3 VJCC, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội
+ Hình thức: Trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom
+ Link đăng ký tham dự: Link
+ Thông tin liên hệ:
ThS. Ngô Hoàng Quỳnh Anh - SĐT +84 975 291 990;
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.