Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo quốc tế "Kinh tế học về giới tại khu vực châu Á 2024"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Từ 8/8 - 9/8/2024, Trường ĐH Ngoại thương phối hợp cùng Chương trình Phân tích giới trong kinh tế của ĐH Hoa Kỳ (American University) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Kinh tế học về giới tại khu vực châu Á 2024".

 

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa các nhà nghiên cứu, các giảng viên với các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ thông qua các hoạt động trao đổi, giao lưu, hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy về lĩnh vực Phân tích giới trong kinh tế.

Diễn ra trong hai ngày, hội thảo gồm phiên toàn thể và 5 phiên song song với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý đến từ các trường đại học từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Sri Lanka, Mông Cổ và Kazakhstan, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới.

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của PGS, TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam, kiêm Trưởng khoa Giới và Phát triển; ThS Hà Thị Quỳnh Anh - Chuyên gia về giới và nhân quyền, Trưởng nhóm Giới của UNFPA Việt Nam; các chuyên gia và nhà nghiên cứu, chuyên gia từ các Tổ chức, Viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước như Học viện Phụ nữ, Học viện Hành chính quốc gia, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Thủy lợi.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế, đơn vị chủ trì phối hợp tổ chức Chương trình; Trưởng/ Phó các đơn vị trong trường, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, cao học viên và sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương và GS Mieke Meurs - Đồng Giám đốc chương trình Nghiên cứu Giới trong Kinh tế của ĐH Hoa Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề bình đẳng giới, cho rằng đó không chỉ là vấn đề nhân quyền cơ bản, mà còn là nhân tố kích thích tăng trưởng bền vững và tiến bộ xã hội. PGS, TS Đào Ngọc Tiến cho rằng hội thảo không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi giữa các chuyên gia và nhà nghiên cứu, mà còn là cơ hội cho sự hợp tác của các nhà nghiên cứu, giảng viên với các tổ chức quốc tế, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, để từ đó có thể mang đến những giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy bình đẳng giới cũng như sự phát triển của Kinh tế học về giới.

Hai diễn giả chính của Hội thảo là PGS, TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam, kiêm Trưởng khoa Giới và phát triển và ThS Hà Thị Quỳnh Anh – Chuyên gia về giới và nhân quyền, Trưởng nhóm giới, UNFPA Việt Nam đều là những chuyên gia trong lĩnh vực giới trong kinh tế. Hai diễn giả chính đã đem đến những tham luận về vấn đề Giới, Bạo lực giới và lựa chọn giới dựa trên định kiến về giới tại Việt Nam cũng như vấn đề trao quyền cho phụ nữ và lãnh đạo nữ trong giáo dục đại học hướng tới chuyển đổi số và toàn cầu hóa. Cũng tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có buổi thảo luận bàn tròn về chủ đề thu hẹp khoảng cách giới cho phát triển bền vững ở châu Á bao gồm các vấn đề hiện tại về khoảng cách giới trong các lĩnh vực khác nhau ở châu Á và các chiến lược cho các quốc gia châu Á trong việc thu hẹp khoảng cách này.

Sau phiên khai mạc, hội thảo diễn ra trong hai ngày với các phiên thảo luận song song chuyên sâu về các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực Kinh tế học về giới. Hội thảo thực sự là một diễn đàn trao đổi học thuật và kết nối giữa các nhà nghiên cứu, chuyên gia quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên, học viên, sinh viên góp phần nâng cao nhận thức, mở ra nhiều hướng nghiên cứu, hợp tác trong và ngoài nước trong các nghiên cứu về giới trong kinh tế.