Ngày 26/8/2024, Cơ sở II đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Trường với chủ đề “Chuyển đổi số: xu hướng và ứng dụng trong thực tiễn”.
Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường sự kết nối giữa các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên đối với thực tiễn của vấn đề chuyển đổi số, cũng như tạo cơ hội cho các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau những kiến thức bổ ích và nâng cao năng lực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, xuất phát từ thực tiễn đó.
Ban tổ chức đã tiến hành nhận bài viết từ các tác giả, công tác phản biện độc lập và quyết định duyệt kỷ yếu hội thảo bao gồm các bài viết có đầu tư, có tính ứng dụng vào thực tiễn theo chủ đề của hội thảo bao gồm 21 bài viết do các giảng viên, chuyên gia, và sinh viên về các vấn đề liên quan tới chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp, các hoạt động kinh doanh.
Tham dự Hội thảo, về phía Cơ sở II có PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc; Quý Thầy Cô là Trưởng, Phó các đơn vị, tác giả bài viết, quý Thầy Cô Bộ môn Kinh tế – Luật, các giảng viên, viên chức, sinh viên có quan tâm chủ đề Hội thảo.
Hội thảo có sự hiện diện của các diễn giả: Ông Trần Võ Quang – Giám đốc Công ty TNHH ACC.PRO Vietnam; Ông Bùi Văn Trọn – Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình – Thống Nhất; Bà Hồ Võ Thanh Vy – Công ty TNHH Luật The Lam.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Hà cảm ơn các tác giả đã quan tâm gửi bài viết cho Hội thảo, trong đó có các nghiên cứu đến từ các trường đại học, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đây là những đóng góp vô cùng quý báu, góp phần làm nên sự thành công của Hội thảo, trân trọng cảm ơn quý doanh nghiệp và quý thầy cô cùng các em sinh viên đã sắp xếp thời gian viết bài, tham gia Hội thảo. Bộ môn Kinh tế – Luật dù với nhiều công tác nhưng cũng đã nỗ lực để tổ chức Hội thảo ngày hôm nay.
TS Phạm Thị Diệp Hạnh mở đầu trình bày với tham luận về “Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số”. Theo đó, tác giả cho rằng trong thời đại kỹ thuật số thì việc bảo hộ quyền tác giả cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới, đặc thù để đối phó với những hành vi xâm phạm ngày càng đa dạng, phức tạp và phát triển trên diện rộng. Từ đó, đặt ra các yêu cầu đối với việc hoàn thiện các quy định hiện hành của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu tác quyền. TS Phạm Thị Diệp Hạnh phân tích thực trạng và một số khó khăn trong việc triển khai quy định của pháp luật, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm bảo hộ quyền tác giả trong môi trường internet.
Diễn giả Bùi Văn Trọn – Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình trình bày tham luận “Một số thành tựu trong quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” đề cập đến những khía cạnh cơ bản của chuyển đổi số tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, để từ đó đưa ra một số kiến nghị cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia mảng ngân hàng để phát triển kinh tế số hiệu quả trong tương lai.
Ông Trần Võ Quang chia sẻ tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa cộng thêm với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Tác giả cung cấp tổng quan về chuyển đổi số ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, chỉ ra các khó khăn thách thức và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, tăng hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế 4.0 hiện tại.
Trong cơ sở lý luận về yếu tố ảnh hưởng tới nghèo theo cách tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều, nghiên cứu về tác động của chuyển đổi số rất hạn chế. Diễn giả Nguyễn Linh Chi - Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương trình bày tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số và nghèo đa chiều: Nghiên cứu 63 tỉnh thành Việt Nam”. Linh Chi cho rằng xem xét mối quan hệ giữa chuyển đổi số và nghèo đa chiều dưới ảnh hưởng của tham nhũng ở cấp tỉnh Việt Nam. Sử dụng dữ liệu bảng 63 tỉnh thành từ 2016 – 2020, Vietnam ICT Index từ Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT Việt Nam và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), nhóm tác giả khám phá đồng thời tác động tích cực của chuyển đổi số ở khía cạnh hạ tầng công nghệ và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, và tác động điều tiết của kiểm soát tham nhũng. Ở những tỉnh kiểm soát tham nhũng hiệu quả, mối quan hệ này diễn ra càng thuận lợi hơn. Kết quả nghiên cứu đóng góp bằng chứng thực nghiệm về các yếu tố ảnh hưởng nghèo đa chiều và gợi ý chính sách giảm nghèo đa chiều từ góc độ chuyển đổi số và tham nhũng.