Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo Khoa học quốc tế “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững: Sáng kiến đổi mới và phương pháp tiếp cận xuyên ngành” và Lễ ra mắt mạng lưới nghiên cứu viên liên kết

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Từ ngày 17/12 - 18/12/2024, Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường ĐH Ngoại thương phối hợp với Trường ĐH Laval (Chương trình nghiên cứu về những thách thức mới của toàn cầu hóa kinh tế, Chaire NEME), Trường ĐH Rennes II, Trường ĐH Rennes và Hội Thành viên độc lập HĐQT Việt Nam (VNIDA) tổ chức thành công Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững: Sáng kiến đổi mới và phương pháp tiếp cận xuyên ngành” và Lễ ra mắt mạng lưới nghiên cứu viên liên kết về Sáng tạo và Phát triển bền vững.

 Chương trình có sự tham dự của nhiều khách mời trong và ngoài nước đến từ các đại sứ quán, tổ chức trong nước và quốc tế, trường đại học, doanh nghiệp… Về phía Đại sứ quán có ông Romain Busuttil - Phó Tham tán hợp tác và hoạt động văn hoá, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội; Ông Albert Juyul Lee - Tham tán thương mại Đại sứ quán Canada tại Việt Nam; ông Phonepaseuth Keodouangdy - Bí thư thứ 2, phòng tham tán Kinh tế - thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; Bà Rosa Maria Ysobel M.Pareja - Bí thư thứ 3, Đại sứ quán Philippine tại Hà Nội. Về phía đơn vị đồng tổ chức hội thảo có bà Brunessen Bertrand - Giáo sư, Trưởng Chương trình Jean Monnet về Luật Châu Âu về Quản trị Dữ liệu (DataGouv), Đại học Rennes, Pháp; Bà Danielle Charles Le Bihan - Giáo sư danh dự, Đại học Rennes II, Pháp; Bà Lý Vân Anh - Phó Giám đốc NEME Chair, Đại học Laval, Canada; Ông Nguyễn Sinh Dũng Thắng - Chủ tịch VNIDA.

Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Vũ Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường; các thành viên BTC Hội thảo; cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định, “Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, phát triển rừng và thương mại bền vững không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội chiến lược để các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, hội nhập vào chuỗi cung ứng quốc tế một cách hiệu quả. Trường ĐH Ngoại thương với sứ mệnh tiên phong trong giáo dục và nghiên cứu, không ngừng nỗ lực trong việc trang bị cho đội ngũ cán bộ giảng viên không chỉ kiến thức chuyên sâu về kinh tế, quản trị, mà còn tư duy toàn cầu về các vấn đề như phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cùng chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm giải pháp đột phá nhằm đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đây còn là diễn đàn kết nối các bên liên quan, mở ra những hướng tiếp cận thực tiễn, ứng dụng cao, tạo nền móng cho các chiến lược thương mại và quản lý tài nguyên bền vững trong tương lai.”


Hội thảo đã thu hút được gần 70 đề xuất bài viết từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước… tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 37 đề xuất có chất lượng nhất để trình bày tại hội thảo. Các bài viết xoay quanh nhiều chủ đề mang tính thời sự và có ý nghĩa cấp thiết như liên quan đến: i) Cơ hội và thách thức khi tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững; ii) Tăng cường vai trò của các tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia và các bên có liên quan khác trong việc thúc đẩy các sáng kiến mới với cách tiếp cận xuyên ngành về thương mại và quản lý rừng bền vững; iii) Các mô hình kinh tế rừng bền vững; iv) Vị trí, vai trò của các chính sách, quy định quốc gia, khu vực và quốc tế; v) Công nghệ và sáng tạo nhằm tái cân bằng giữa thương mại và quản lý rừng bền vững. Đây cũng chính là chủ đề của các phiên trình bày và thảo luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Mạng lưới các Nghiên cứu viên liên kết về Sáng tạo và Phát triển bền vững với những thành viên đầu tiên quan tâm tham gia cũng được ra mắt. Mạng lưới bao gồm những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ những cơ quan, đơn vị, tổ chức khác nhau ở trong và ngoài nước, có nhiều năm kinh nghiệm trong việc triển khai hoạt động nghiên cứu theo hướng sáng tạo và phát triển bền vững. Họ cũng là những chuyên gia sẵn sàng hợp tác, đồng hành và hỗ trợ các giảng viên, nghiên cứu viên của Nhà trường để phối hợp thực hiện nghiên cứu mang tính liên ngành, xuyên ngành, tạo ra những kết quả có tính ứng dụng cao, có khả năng thương mại hóa và tạo tác động xã hội bền vững; cũng như trong các hoạt động về hợp tác và chuyển giao kết quả nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu viên liên kết trong mạng lưới đã tham gia tích cực trong những hoạt động nghiên cứu mà Viện Nghiên cứu sáng tạo nói riêng và Nhà trường nói chung tổ chức trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, các hoạt động bên lề như "Mini-fair" và Không gian sáng tạo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tham dự. Hoạt động này mang đến cho sinh viên tham gia cơ hội trải nghiệm tự tay làm những sản phẩm tái chế, lan tỏa thông điệp và ảnh hưởng tích cực tới mọi người về phát triển bền vững, thúc đẩy các ý tưởng mới về thương mại và quản lý rừng bền vững.

Hội thảo khép lại sau hai ngày làm việc sôi nổi, với nhiều ý tưởng sáng tạo và sáng kiến quan trọng được chia sẻ. BTC hy vọng rằng những kết quả đạt được từ hội thảo sẽ tiếp tục được triển khai và ứng dụng trong các dự án, nghiên cứu và chính sách nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển bền vững.
----------
Các báo đưa tin về sự kiện:
+ Tạp chí điện tử Pháp lý: https://phaply.net.vn/hoi-thao-quoc-te-voi-chu-de-tai-can-bang-giua-thuong-mai-va-quan-ly-rung-ben-vung-chinh-thuc-khai-mac-a259041.html
+ Tạp chí điện tử Kinh tế chứng khoán Việt Nam: https://kinhtechungkhoan.vn/truong-dai-hoc-ngoai-thuong-to-chuc-hoi-thao-tai-can-bang-giua-thuong-mai-va-quan-ly-rung-ben-vung-266727.html