Sidebar

Magazine menu

19
Fri, Apr

Khóa tập huấn “Giải quyết tranh chấp Đầu tư quốc tế theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Trong hai ngày 05-06/09/2016 vừa qua, Khóa tập huấn “Giải quyết tranh chấp Đầu tư quốc tế theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU” đã diễn ra tại phòng Hội thảo Liên Việt, tầng 10 nhà A trường ĐH Ngoại thương với sự tham gia của các diễn giả, đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, giảng viên Luật tại các trường Đại học trong mạng lưới CLE cùng các bạn sinh viên đại diện từ các đội tham dự FIAM.

Khai mạc buổi tập huấn, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó hiệu trưởng nhà trường, đã cám ơn dự án EU-MUTRAP và UNDP là hai tổ chức tài trợ cho cuộc thi FIAM, đồng thời cô cũng nhấn mạnh ý nghĩa và sức lan tỏa của hoạt động này khi đã kết nối được các cơ sở đào tạo luật ở 3 miền Việt Nam.

PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương

Xuyên suốt Khóa Tập huấn, các diễn giả cung cấp cho cho giảng viên, sinh viên kiến thức chuyên sâu hơn trong lĩnh vực Đầu tư quốc tế, các kĩ năng cần thiết cũng như lấy ví dụ về các vụ tranh chấp trên thực tế để rút ra bài học khi giải quyết tranh chấp đầu tư sau này.Các diễn giả của Khóa tập huấn: GS Julien Chaisse, TS Trịnh Hải Yến, LS Trinh Nguyễn là những chuyên gia trình độ chuyên môn cao cùng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực Đầu tư quốc tế đã thực sự mang đến những kiến thức bổ ích cho những người tham gia, góp phần chuẩn bị tốt cho các đội thi tham gia FIAM (FTU Investment Arbitration Moot) sẽ diễn ra xuyên suốt từ tháng 09 đến tháng 12/2016. Chính nhờ sự tâm huyết chia sẻ của các diễn giả, sự tham gia nhiệt tình tranh luận, đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến của những người tham gia đã làm nên một Khóa tập huấn thực sự bổ ích, ý nghĩa và thành công tốt đẹp.

Điểm qua một vài vấn đề được nhấn mạnh trong Khóa tập huấn:

GS Julien Chaisse

GS Julien Chaisse: trình bày “Các vấn đề tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước” từ các khía cạnh khác nhau như: Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư ISDS, các hình thức trọng tài và việc điều chỉnh hình thức trọng tài, các vấn đề tố tụng chính trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư giữa một bên là nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước. Bên cạnh đó, nhằm bổ sung kĩ năng viết đơn và phản biện cho các đội tham gia cuộc thi, GS Chaisse nhấn mạnh về thể lệ, quy chế của cuộc thi, về cách trình bày, độ dài và trích dẫn của đơn biện hộ. Chúng ta có thể kể đến một vài điểm lưu ý quan trọng trong buổi chia sẻ của GS dành cho các đội tham dự trong quá trình hoàn thành đơn biện hộ như: “ Rõ ràng nhất quán là yêu cầu chính”, “Làm chủ thời gian”, cách lập luận logic, sắc bén, làm cho từng con số, con chữ biết nói khi viết đơn biện hộ để tận dụng , khai thác triệt để, có hiệu quả các chi tiết, tình tiết của đề đưa ra.

GS Julien Chaisse và TS Trịnh Hải Yến

TS Trịnh Hải Yến: Cô tham gia chia sẻ trong Khóa tập huấn về “Các quy định về bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia trong EVFTA” – một lưu ý quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước hiện nay. Từ những chia sẻ tâm huyết của mình, cô giúp những người tham gia có thêm kiến thức, được giải đáp sâu hơn những thắc mắc về Giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVFTA, Thủ tục giải quyết tranh chấp trước khi sử dụng Hệ thống Tòa đầu tư EVFTA cũng như quy trình giải quyết tranh chấp tại Hệ thống Tòa đầu tư EVFTA.


Luật sư Trinh Nguyễn: Trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, vai trò Luật sư của nguyên đơn và bị đơn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích cho chủ thể pháp lí của mình. LS Trinh Nguyễn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Trọng tài, Hòa giải đã có những chia sẻ sâu hơn với những người tham gia, cùng thảo luận về “Vai trò của Luật sư trong giải quyết tranh chấp đầu tư bằng trọng tài” bắt đầu từ giai đoạn phát sinh tranh chấp, thương lượng hòa giải trước khi vụ kiện được thụ lý, giai đoạn tranh chấp ISDS được đưa đến cơ quan tài phán có thẩm quyền cho đến giai đoạn chỉ định trọng tài cũng như giai đoạn tư vấn áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời cho các bên tham gia tranh chấp, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước chủ nhà.

Bên cạnh những giờ phút cùng diễn giả trao đổi về chủ đề của Khoá học: " Giải quyết tranh chấp Đầu tư quốc tế theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU" thì không khí của khoá học còn được khuấy động bằng trò chơi thú vị. Qua trò chơi , những người tham gia đã thêm được sự thoải mái, sự gắn kết, gần gũi với nhau hơn. Đặc biệt, họ đã cười không ngớt cùng những tràng pháo tay hào hứng về hình phạt " Chicken dance" đầy sôi động. Sau khi nghe những phân tích, nhận định và đánh giá của các diễn giả cùng sự hứng thú, tinh thần ham học hỏi; chuyên mục Q&A diễn ra hết sức sôi nổi trên tinh thần cầu thị. Những câu hỏi được đặt ra với diễn giả xoay quanh vấn đề làm rõ những quy trình,những tranh chấp diễn ra thực tế ở Việt Nam và các nước theo EVFTA và các vấn đề liên quan đến " Giải quyết tranh chấp Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU. Qua đó, các diễn giả đã cung cấp các kiến thức chuyên sâu, là cơ hội quý giá để tiếp cận sâu hơn với chủ đề cuộc thi cho giáo viên các trường trong mạng lưới CLE và đại diện các trường có đội thi tham gia. Khoá tập huấn kết thúc vào lúc 17h ngày 06/09/2016,Ban tổ chức xin gửi lời cảm ơn chân thành tới sự tham dự của các thầy cô, các vị đại biểu, các bạn sinh viên và đặc biệt là các diễn giả chuyên môn góp phần quan trọng mang tới thành công của buổi tập huấn hôm nay.