Sidebar

Magazine menu

17
Wed, Apr

TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM TRONG MÙA ĐÔNG XUÂN

Phòng Chống Dịch COVID 19

TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM TRONG MÙA ĐÔNG XUÂN.


1. Khái niệm:
- Cúm là bệnh truyền nhiễm theo mùa do virus Cúm gây ra, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, hắt hơi, ho. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
- Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính và tự khỏi sau 7 – 10 ngày, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
- Bệnh cảm cúm thường dễ nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn.
2. Biểu hiện:
- Khoảng 2 ngày sau khi tiếp xúc với virus cúm, bệnh nhân mới có biểu hiện các triệu chứng ban đầu như: sốt; cảm giác ớn lạnh; nhức đầu; đau mỏi các cơ; mệt mỏi, chóng mặt; ăn không ngon; buồn nôn; ho đau họng; chảy nước mũi; cảm giác yếu không còn sức lực; đau tai; có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chẩy.
- Khoảng 5 ngày sau, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
3. Điều trị:
- Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Sau đó, nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh.
- Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp với các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.
- Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định, ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.
4. Phòng bệnh:
- Tránh lây nhiễm bằng cách đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm hoặc khi đi khám bệnh.
- Tăng cường rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn tay nhanh đặc biệt là ngay sau khi từ các nơi công cộng về; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp sau đó hủy hoặc giặt khăn ngay.
- Thường xuyên súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn miệng.
- Hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng khi đang có dịch xảy ra.
- Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
- Phụ nữ mang thai; người mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh môi trường: tăng cường thông khí nhà ở, nơi làm việc bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau chùi nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường như xà phòng, nước javen...
- Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm thì tốt nhất nên xin nghỉ làm, nghỉ học, hoặc tránh tới các nơi công cộng, tránh tham gia các phương tiện giao thông công cộng để hạn chế lây lan bệnh trong cộng đồng và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
- Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu: tiêm phòng Vaccine Cúm hàng năm.