Sidebar

Magazine menu

22
Wed, Jan
48 Bài viết mới

TUYÊN TRUYỀN LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Tuyên truyền giáo dục Pháp luật

Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2006; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007; được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (nội dung sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021).

Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người đã quy định cụ thể về các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, như sau:

A. THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
I. Mục đích và yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 9)
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
2. Việc cung cấp thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;
b) Phù hợp với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo, đạo đức xã hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán;
c) Không phân biệt đối xử, không làm ảnh hưởng đến bình đẳng giới và không đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV.
II. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 10)
1. Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV.
2. Hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
3. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS.
4. Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV.
5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
6. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
7. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
8. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
II. Đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 11)
1. Mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.
2. Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng sau đây:
a) Người nhiễm HIV;
b) Người sử dụng ma túy;
c) Người bán dâm;
d) Người có quan hệ tình dục đồng giới;
đ) Người chuyển đổi giới tính;
e) Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính;
g) Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV;
h) Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
i) Người di biến động;
k) Phụ nữ mang thai;
l) Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;
m) Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
n) Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.
III. Trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 12)
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp chính xác và khoa học các thông tin về HIV/AIDS.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thường xuyên thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép chương trình phòng, chống HIV/AIDS với chương trình thông tin, truyền thông khác.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành có liên quan xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy; kết hợp giáo dục phòng, chống HIV/AIDS với giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS.
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.
7. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho Nhân dân trên địa bàn địa phương.
8. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.
B. HUY ĐỘNG GIA ĐÌNH, CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NH N TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
I. Phòng, chống HIV/AIDS tại gia đình (Điều 13)
1. Gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho các thành viên trong gia đình về phòng, chống HIV/AIDS, chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm HIV.
2. Khuyến khích tự nguyện xét nghiệm HIV đối với người trước khi kết hôn, dự định có con, phụ nữ mang thai.
3. Gia đình của người nhiễm HIV có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, động viên tinh thần giúp người nhiễm HIV sống hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.
II. Phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc (Điều 14)
1. Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;
b) Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV;
c) Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
d) Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.
2. Người sử dụng lao động không được có các hành vi sau đây:
a) Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
b) Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
c) Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp một số ngành nghề thuộc danh mục phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng.
III. Phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Điều 15)
1. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức giảng dạy cho học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống HIV/AIDS, lồng ghép với giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác trong cơ sở đó.
2. Cơ sở giáo dục không được có các hành vi sau đây:
a) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;
b) Kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;
c) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV;
d) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với học sinh, sinh viên, học viên hoặc người đến xin học.
IV. Phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm người di biến động (Điều 16)
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho người ở nơi khác đến cư trú tại địa phương mình.
2. Chủ, người quản lý điều hành cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, đậu tàu, thuyền, cơ sở kinh doanh du lịch hoặc dịch vụ văn hóa, xã hội khác có trách nhiệm phối hợp với cơ quan phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV thích hợp cho người sử dụng dịch vụ tại cơ sở của mình.
3. Người đứng đầu cơ quan kiểm dịch y tế tại cửa khẩu có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho người nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh.
4. Cơ quan, tổ chức có hoạt động đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS đối với người lao động, người đi học.
V. Phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư (Điều 17)
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có các trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giáo dục sự thương yêu, đùm bọc đối với người nhiễm HIV, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam;
b) Tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và gia đình họ, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;
c) Phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng trong việc vận động Nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS;
d) Xây dựng và phát triển mô hình gia đình văn hóa, tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc gắn với việc phòng, chống HIV/AIDS;
đ) Tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.
2. Tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc có các trách nhiệm sau đây:
a) Tuyên truyền, vận động và giáo dục các gia đình trên địa bàn tham gia và thực hiện các quy định về phòng, chống HIV/AIDS;
b) Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng và các hoạt động xã hội khác;
c) Đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.
3. Nhà nước khuyến khích dòng họ, hàng xóm, bạn của người nhiễm HIV động viên về tinh thần, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội.
VI. Phòng, chống HIV/AIDS trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác (Điều 18)
1. Người đứng đầu cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác có trách nhiệm tổ chức quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV ở cơ sở do mình quản lý.
2. Chính phủ quy định việc quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.
VII. Tổ chức xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS (Điều 19)
Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội khác thành lập các cơ sở nhân đạo, từ thiện để chăm sóc, nuôi dưỡng người nhiễm HIV và thực hiện các hoạt động khác trong phòng, chống HIV/AIDS.
VIII. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia phòng, chống HIV/AIDS (Điều 20)
1. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao có quyền tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia nhóm giáo dục đồng đẳng và các hình thức tổ chức sinh hoạt khác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.
3. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Tuyên truyền và tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Chính phủ;
b) Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ;
c) Tư vấn và hỗ trợ cho người có hành vi nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV;
d) Hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm HIV;
đ) Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS;
e) Các hoạt động khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.
C. CÁC BIỆN PHÁP XÃ HỘI KHÁC TRONG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
I. Can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV (Điều 21)
1. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm:
a) Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su;
b) Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch;
c) Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV;
d) Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
đ) Các biện pháp can thiệp giảm tác hại phù hợp khác.
2. Ưu tiên can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng: (a) Người nhiễm HIV; (b) Người sử dụng ma túy; (c) Người bán dâm; (d) Người có quan hệ tình dục đồng giới; (đ) Người chuyển đổi giới tính; (e) Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính; (g) Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; (h) Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; (i) Người di biến động; (k) Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy.
3. Chính phủ quy định việc tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
II. Tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS (Điều 22)
1. Mọi người có quyền tiếp cận với dịch vụ tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.
2. Các cơ sở y tế có trách nhiệm tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS.
Điều kiện thành lập và nội dung hoạt động của tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
4. Việc tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS trước và sau khi xét nghiệm HIV thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, cụ thể:
- Các trường hợp xét nghiệm HIV đều phải được tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV.
- Cơ sở xét nghiệm HIV có trách nhiệm tổ chức việc tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV.
- Chỉ những người đã được tập huấn về tư vấn phòng, chống HIV/AIDS mới được thực hiện việc tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV.
III. Lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội (Điều 23)
1. Phòng, chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
2. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chương trình phòng, chống lao, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng, chống các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác./.