Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

Các dự án đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng trường ĐH Ngoại thương

Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo

Thực hiện Chiến lược phát triển Trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2040 với việc “Trở thành đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á”, nhà trường đã và đang triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của đội ngũ cán bộ quản lý và toàn thể viên chức trong trường.

 

Trong khuôn khổ Đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng, nhà trường đã phê duyệt 07 Dự án ĐMST với tổng mức kinh phí gần 01 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Ngoại thương cho phép triển khai thực hiện các Dự án ĐMST nhằm cải tiến phương thức hoạt động của nhà trường, đặc biệt là cách thức học tập, giảng dạy và phục vụ người học, phục vụ cộng đồng. Hoạt động này cũng góp phần đẩy mạnh phong trào và năng lực đổi mới sáng tạo trong hàng ngũ các viên chức bao gồm các trợ giảng, giảng viên và chuyên viên của Trường ĐH Ngoại thương.

 Dự án: “Khai thác Không gian sáng tạo FTU - MB Digital Hub vào hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng của giảng viên Tài chính - Ngân hàng”

Với mục tiêu để nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng giảng dạy của các giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, dự án dự kiến sẽ xây dựng và thuê/mua 05 trò chơi mô phỏng (như Game Futures Trading, Game Khớp lệnh,..) để áp dụng vào một số học phần thuộc các bộ môn của K.TC-NH tại không gian FTU - MB Digital Hub.

Dự án sẽ mang lại phương thức giảng dạy đổi mới trong giáo dục đại học thông qua việc áp dụng trò chơi ứng dụng mô phỏng tại không gian số, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, đào tạo tại Trường ĐH Ngoại thương.

 

 

Dự án: “Career Station: Tăng cường năng lực tự hướng nghiệp cho sinh viên Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế”

Career Station là một dự án đào tạo, tư vấn về kỹ năng hướng nghiệp cho giảng viên và kỹ năng tự hướng nghiệp cho sinh viên Viện KT&KDQT. Dự án bao gồm các chuỗi đào tạo, các buổi tư vấn online/offline, xây dựng mạng lưới các chuyên gia, doanh nghiệp. Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng bộ cẩm nang tự hướng nghiệp dành cho sinh viên Viện KT&KDQT tạo ra khả năng lan tỏa và nhân rộng dự án cho các bạn sinh viên trong toàn trường.

 

 

Dự án: “Áp dụng Công nghệ Thực Tế Ảo trong giảng dạy chương trình CLC Quản trị Khách sạn”

Mục tiêu của dự án là nghiên cứu về khả năng cũng như cách thức triển khai áp dụng công nghệ thực tế ảo trong giảng dạy các môn học chuyên ngành và có liên quan đến nghiệp vụ thực hành thuộc chương trình CLC Quản trị khách sạn. Với ý tưởng này, dự án mong muốn sẽ giúp đổi mới các phương pháp giảng dạy của giảng viên, tăng cường trải nghiệm của sinh viên đối với công nghệ 4.0, góp phần đưa Trường ĐH Ngoại Thương trở thành một trong những trường đại học tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy.

 

 

Dự án: “Thí điểm triển khai văn hóa phụng sự tại thư viện FTU”

Dự án nhằm mục tiêu là nâng cao văn hóa phụng sự của các viên chức tại thư viện FTU thông qua đào tạo và thực hiện các dự án về văn hóa phụng sự. Các hoạt động trong dự án bao gồm: khoá đào tạo về văn hóa phụng sự, xây dựng bộ cẩm nang sử dụng Thư viện, thiết kế không gian sáng tạo mở tại thư viện và tổ chức các chương trình về văn hoá đọc.

 

 

Dự án: “Xây dựng kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho viên chức hành chính Trường Đại học Ngoại thương”

Mục tiêu của dự án là nâng cao kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho viên chức hành chính FTU thông qua đào tạo và áp dụng công cụ HORENSO trong công việc. HORENSO là cụm từ viết tắt của 3 từ tiếng Nhật là: Hokoku (báo cáo); Renraku (liên lạc) và Sodan (bàn bạc). Kỹ năng HORENSO là sự hội tụ của rất nhiều kỹ năng liên quan đến các công tác báo cáo cấp trên, liên lạc và bàn bạc, trao đổi công việc trong nội bộ phòng ban, công ty và với đối tác, khách hàng hàng ngày tại môi trường công sở.

 

 

Dự án: “Triển khai thí điểm mô hình tích hợp học tập phục vụ cộng đồng vào hoạt động giảng dạy của giảng viên tại Cơ sở II”

Mô hình tích hợp học tập phục vụ cộng đồng tại là một mô hình mang tính sáng tạo và phù hợp với xu hướng học đi đôi với hành, học tập hướng đến phục vụ cộng đồng và xu hướng quốc tế hoá trong lĩnh vực giáo dục đại học. Dự án này sẽ triển khai thí điểm mô hình tích hợp học tập phục vụ cộng đồng vào hoạt động giảng dạy của giảng viên tại một số bộ môn thuộc Cơ sở II.

 

 

Dự án: “Dự án kết nối cán bộ giảng viên 03 cơ sở của Trường ĐH Ngoại Thương - FTU CONNECTERS”

Nhằm mục đích tăng cường kết nối các viên chức thuộc 03 cơ sở của Trường ĐH Ngoại Thương, dự án FTU CONNECTERS sẽ thực hiện các khóa đào tạo Connecters, thành lập cộng đồng We - The FTU Connecters và các câu lạc bộ kết nối 03 cơ sở dựa trên 02 trụ cột: chuyên môn và sở thích.