Trong hai ngày 15/11 - 16/11/2024, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS), Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức thành công lễ Khai mạc Chương trình ươm tạo “Social Impact Pathway Inclusive Agriculture" và Khóa đào tạo về Kinh doanh bao trùm trong khuôn khổ chương trình.
Chương trình do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED-MPI) tổ chức trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy kinh doanh bao trùm tại Việt Nam" của Ủy ban Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP), nhằm ươm tạo doanh nghiệp (IB) và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (IBSO) hướng đến nền nông nghiệp bao trùm.
Tham dự lễ khai mạc chương trình, về phía cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức nước ngoài có sự hiện diện của Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục Trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (AED); Bà Marta Pérez Cusó - Cán bộ Kinh tế Ủy ban Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP).
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo (FIIS); TS Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm FIIS; cùng các cán bộ, giảng viên Nhà trường.
Chương trình khai mạc đã thu hút hơn 100 đại diện đến từ 43 doanh nghiệp kinh doanh bao trùm tiềm năng (IB) và 32 tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp (IBSO) cùng các chuyên gia trong hệ sinh thái. Đây là bước khởi đầu quan trọng, chứng tỏ sự lan tỏa của chương trình tới Hệ sinh thái kinh doanh bền vững và tạo tác động tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, PGS, TS Phạm Thu Hương khẳng định: “Trường ĐH Ngoại thương là đối tác tin cậy trong hệ sinh thái tạo tác động xã hội, tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kiến tạo tri thức mới, xây dựng nền tảng toàn diện, hỗ trợ và kết nối nguồn lực đa dạng hướng tới phát triển bền vững".
Cũng tại sự kiện, Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về việc khu vực ASEAN đã có nhiều chính sách và chương trình nhằm thúc đẩy mô hình kinh doanh bao trùm. “Kể từ năm 2017, ASEAN đã lồng ghép chương trình nghị sự về Kinh doanh bao trùm, kêu gọi các quốc gia thành viên xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển các phương thức kinh doanh bao trùm của các doanh nghiệp trong khu vực. Vào năm 2023, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 55, Kế hoạch hành động thúc đẩy kinh doanh bao trùm ở ASEAN giai đoạn 2023-2027 đã được thông qua, đưa ra các lĩnh vực ưu tiên để tăng cường hợp tác khu vực về phát triển Kinh doanh bao trùm. Các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang tích cực hợp tác và triển khai các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận mô hình này, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho khu vực. Bên cạnh đó là những chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCAP, cũng như việc thiết lập các diễn đàn, hội nghị và chương trình đào tạo nhằm tăng cường nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành mô hình kinh doanh bao trùm. Theo Bà, sự hợp tác này đã góp phần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ IB bền vững, tiên phong trong khu vực ASEAN, minh chứng rõ nét là sáng kiến IB Hub.
Đồng quan điểm về mô hình kinh doanh bao trùm (IB), Bà Marta Pérez Cusó - Cán bộ kinh tế, Đại diện Ủy ban Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP), khẳng định đây là mô hình kinh doanh sáng tạo, hướng đến tạo sinh kế cho người thu nhập thấp. Bà chúc mừng sáng kiến thành lập IB Hub tại Việt Nam và tin tưởng mô hình IB sẽ ngày càng được áp dụng rộng rãi, góp phần cải thiện đời sống xã hội và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tại chương trình, các bên đều nhất trí quan điểm về mô hình kinh doanh bao trùm là giải pháp hướng đến tạo sinh kế cho người thu nhập thấp, góp phần cải thiện đời sống xã hội đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các tổ chức hỗ trợ trong công cuộc phát triển hệ sinh thái Kinh doanh bao trùm.
Sau lễ khai mạc, Chương trình đào tạo 02 ngày về kinh doanh bao trùm, nơi các IB và IBSO được trang bị kiến thức cơ bản, kinh nghiệm và bộ đánh giá mức độ sẵn kinh doanh bao trùm đã được chia sẻ bởi nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm như: Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Tổng Giám đốc Mạng lưới nữ lãnh đạo dẫn dắt sự thay đổi - WELEAD; Bà Phạm Hoàng Ngân - Chuyên gia nghiên cứu và tư vấn chính sách thúc đẩy kinh doanh bao trùm; Ông Lê Văn Sơn - Chuyên gia Tư vấn GESI – Dự án IPSC; Bà Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm FIIS, Bà Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm FIIS. Đặc biệt, các IB và IBSO đã được chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, hành trình kiểm định hướng đến công nhận quốc gia và đạt giải thưởng quốc tế đến từ đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu gồm Ông Phạm Đình Ngãi - Founder, CEO Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) và Ông Nguyễn Phú Trí - Phó Trưởng phòng phát triển kinh doanh, Công ty TNHH MTV Traphacosapa.
Sau thành công của hai ngày đào tạo đầy sôi nổi và bổ ích, các IB và IBSO xuất sắc nhất được lựa chọn và tiếp tục tham gia vào giai đoạn 2 của Chương trình ươm tạo với những hoạt động huấn luyện chuyên sâu để kiểm định về mô hình kinh doanh bao trùm, thực hiện báo cáo tạo tác động và triển khai kế hoạch truyền thông tạo tác động. Đây hứa hẹn sẽ là bước đệm vững chắc, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả mô hình kinh doanh bao trùm, kiến tạo và lan tỏa những giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội.
#FTU #FIIS #IBSIP_2024 #SocialImpactPathway #InclusiveBusiness
----------------------------------------
IB Hub Việt Nam (IB Hub) là hệ sinh thái hỗ trợ phát triển kinh doanh bao trùm, được xây dựng và phát triển bởi Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Trường ĐH Ngoại thương (FIIS), với sự hỗ trợ của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP) và Cục phát triển doanh nghiệp (AED MPI) với mục tiêu tăng cường nhận thức, thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh bao trùm và triển khai hệ thống đánh giá cả ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Thông qua chuỗi các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, cố vấn, đánh giá, IB Hub Việt Nam hướng tới xây dựng môi trường hiệu quả và tích cực mà các doanh nhân, doanh nghiệp và chuyên gia cùng nhau thúc đẩy tác động bền vững xã hội, đặc biệt với những người ở Đáy Kim tự tháp (BoP).