Phạm Phong, một cựu sinh viên tiêu biểu trường Ngoại thương chia sẻ chi tiết những trải nghiệm và phương pháp cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khóa.
Phạm Phong tâm sự: "Bài viết này dành cho các bạn trẻ không phải là một người "sinh ra đã giỏi". Lấy ví dụ là chính bản thân mình, ban đầu mình không phải là một bạn học khá, cụ thể mình đã có những kỳ học đau đớn đen tối với những điểm số nát bét (GPA 2.7x, một kỳ có đến 2 điểm C và 1 điểm D).
Và điểm số của mình chỉ được cải thiện dần khi mình có được những phương pháp phù hợp và đúng đắn (GPA 4 năm của mình là 3.7/4, không phải là cao so với nhiều bạn khác nhưng ở mức mình hài lòng).
Trước khi bắt tay vào làm một việc gì, các bạn hãy tập cho mình thói quen suy nghĩ xem mục đích mình làm công việc đó là gì, và kết quả mình mong muốn ra sao.
Mình vẫn hay nói việc này kiểu như mình giải một bài toán, nếu bạn cứ lao đầu vào giải đề mà không biết yêu cầu của đề bài/ kết quả cần giải ra của bài toán là gì thì chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian hơn và không biết kết quả mình làm ra có thực sự đúng hay không, có thực sự là cái mình cần hay không.
Kinh nghiệm xương máu của mình là bạn hãy xin kinh nghiệm của những người đi trước. Mình đã từng xem thường việc này và lãnh trọn 1 điểm D và vài điểm C. Mình nghĩ lý do ở đây đơn giản là mỗi thầy cô có những cách dạy khác nhau, và kiến thức các thầy cô muốn truyền đạt đến sinh viên có thể cũng khác nhau dù cùng một môn.
Là sinh viên chạy "deadline" các hoạt động ngoại khóa thì áp lực thật nhưng sau này ra trường bạn mới thấy nó rất nhỏ bé. Vì thế, hãy coi như đây là một cơ hội tốt để mình được trau dồi bản thân, học hỏi cái mới và giúp bạn tạo được những mối quan hệ tốt đẹp. Đây cũng là cách để rèn luyện khả năng chịu đựng áp lực của bản thân, và sau này đi làm sẽ không bị bỡ ngỡ quá nhiều.
Bản thân mình cũng phát triển và trưởng thành hơn rất nhiều thông qua việc hoạt động ngoại khóa ở FTU. Nên dù ai nói ngả nói nghiêng, mình vẫn rất tự hào về món đặc sản này của trường.
Chìa khóa để cân bằng vẫn là "đặt mục tiêu". Bước này là bước dành cho bạn nào mục tiêu vào cả 2 thứ trên thôi. Đến bước này thì các bạn liên kết nó lại, khi đó các bạn sẽ thấy một hình ảnh của bản thân mà mình đang hướng đến và cố gắng phấn đấu để trở thành.
Thứ hai, hãy biết thứ tự ưu tiên. Mọi nguồn lực đều có hạn, thời gian, sức lực, sự tập trung, sức khỏe, tiền bạc,... của chúng ta cũng vậy. Vậy nên, trong những mục tiêu mình đề ra (trong trường hợp này là học tập và hoạt động ngoại khóa) bạn cần biết đâu là mục tiêu chính mà mình cần ưu tiên hơn.
Thứ ba, hãy nghỉ ngơi khi cần thiết. Làm gì thì làm nhưng hãy biết lắng nghe cơ thể khi cần thiết, nhắc lại là chỉ những khi cần thiết. Nếu ngày nào cơ thể cũng muốn nằm dài lướt mạng xã hội facebook, tinder thì không được đâu. Mệt mỏi, stress,... những lúc đó hãy để cơ thể nghỉ ngơi, tìm người để lắng nghe chia sẻ và tìm lại động lực.
Báo Dân trí đưa tin: Link