Tiếp nối chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Dự án chương trình WTO Chairs tại trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 3, từ ngày 08/12 - 10/12/2022, trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về “Tăng cường năng lực vận dụng cam kết về thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Ngoại thương cho biết chương trình WTO Chairs tại trường ĐH Ngoại thương giai đoạn 3 được triển khai trên cơ sở ba trụ cột chính: Nghiên cứu – Đào tạo – Hoạt động hợp tác và sự kiện, xoay quanh ba nhóm chủ đề: Thương mại và đầu tư; các vấn đề phi thương mại; và thương mại điện tử, với mục đích để tăng cường năng lực và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp trong việc thực thi các cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam trong WTO hay FTAs. Với mục đích đó, Dự án WTO Chair – Giai đoạn 3 của Trường ĐH Ngoại Thương đã thiết kế và tổ chức khóa học về chủ đề đầu tiên liên quan đến thương mại và đầu tư với tiêu đề “Tăng cường năng lực vận dụng cam kết về thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam”.
Khoá đào tạo được giảng dạy bởi những chuyên gia có kiến thức chuyên sâu làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, USAID và trường ĐH Ngoại thương. Khóa học hướng tới cung cấp những kiến thức và kỹ năng giúp học viên có thể vận dụng và tận dụng những lợi thế mà các cam kết về thương mại và đầu tư quốc tế có thể mang lại cho Việt Nam cũng như giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong quá trình vận dụng những cam kết đó.
PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia đã đồng hành cùng Ban quản lý dự án WTO Chairs tại trường ĐH Ngoại thương trong việc thiết kế, xây dựng nội dung khóa đào tạo. Cô Thuỷ hy vọng các góp ý của các học viên, giảng viên sẽ là tiền đề thành công để Ban quản lý dự án xây dựng các khóa đào tạo tiếp theo về những chủ đề khác, đáp ứng mục tiêu chung của dự án.
Với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu đến từ các cơ quan Nhà nước (Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tổ chức Thương mại thế giới và Trường ĐH Ngoại thương, khóa đào tạo tập trung triển khai và làm rõ 6 chuyên đề: Chuyên đề 1: Khái quát chung nội dung một số hiệp định thương mại và đầu tư mà Việt Nam ký kết (WTO, CPTPP, EVFTA, RCEP); Chuyên đề 2: Công cụ thuế trong thương mại và đầu tư quốc tế; Chuyên đề 3: Các biện pháp kỹ thuật và phòng vệ trong thương mại quốc tế (TBT, SPS, Trademap, ePing, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ tạm thời); Chuyên đề 4: Thuận lợi hóa đầu tư (cải cách thủ tục hành chính, quy trình đăng ký…); Chuyên đề 5: Chính sách và pháp luật về đầu tư của một số quốc gia trên thế giới và Doanh nghiệp nhà nước và vấn đề cạnh tranh trong thương mại và đầu tư quốc tế; Và Chuyên đề 6: Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thông qua 6 chuyên đề, các học viên không chỉ được cung cấp những kiến thức cập nhật trong việc vận dụng những cam kết quốc tế của Việt Nam về thương mại và đầu tư mà còn cơ hội trao đổi trực tiếp với những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về những vấn đề thực tiễn liên quan.