Sidebar

Magazine menu

21
Thu, Nov

Lễ khai giảng chương trình đào tạo thí điểm trình độ tiến sĩ cho các nước tiểu vùng sông Mekong

Đào tạo Sau đại học

Ngày 9 tháng 3 năm 2017, trường đại học Ngoại thương đã tổ chức buổi Lễ khai giảng chương trình đào tạo thí điểm trình độ tiến sĩ cho các nước tiểu vùng sông Mekong.

Đây là chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ đầu tiên được triển khai tại trường đại học Ngoại thương dành cho các nước tiểu vùng sông Mekong. Tuy mới đưa vào triển khai nhưng chương trình cũng đã thu hút được sự quan tâm của người học bởi chất lượng đào tạo của chương trình, sự nhiệt tình của đội ngũ giảng viên và đội ngũ cán bộ hành chính hỗ trợ cho chương trình.

Đến dự buổi lễ, về phía đại sự quán Lào tại Việt Nam có ông Amphavanh Kouangmanivanh - Tham tán phòng văn hóa giáo dục - Đại sứ quán Lào tại Việt Nam. Về phía trường đại học Ngoại thương có sự có mặt của PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường, PGS, TS Đào Thị Thu Giang – Phó hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Phó hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy – Phó hiệu trưởng, PGS, TS Tăng Văn Nghĩa – Trưởng khoa Sau đại học, cùng toàn thể cán bộ, lãnh đạo các đơn vị trong toàn trường. Ngoài ra tham dự buổi lễ còn có PGS, TS Lại Phi Hùng - trường đại học Kinh tế Quốc dân.

Chương trình đào tạo thí điểm trình độ tiến sĩ cho các nước tiểu vùng sông Mekong là một chương trình đào tạo mới của trường đại học Ngoại thương, được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học của các nước tiểu vùng sông Mekong. Chương trình cũng thể hiện ý muốn, kỳ vọng, năng lực của trường đại học Ngoại thương trong mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo lớn có uy tín trong khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường chúc mừng các bạn đã vượt qua những khó khăn ban đầu để trở thành những nghiên cứu sinh khóa đầu tiên. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho rằng, đây là cơ hội lớn đối với các nghiên cứu sinh để các bạn có thể học tập, nghiên cứu, gặp gỡ, chia sẻ. Bên cạnh những lợi thế lớn về sự tương đồng trong lịch sử, văn hóa, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cũng chỉ ra những khó khăn mà các nghiên cứu sinh sẽ đối mặt như những khó khăn về việc cân đối thời gian học tập và làm việc, trở ngại về ngôn ngữ hay không gian. Và đặc biệt PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh khó khăn về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và học tập. Vì vậy PGS, TS Bùi Anh Tuấn đề nghị mỗi nghiên cứu sinh cần có một kế hoạch học tập dài hạn, những giải pháp để khắc phục những khó khăn của bản thân. PGS, TS Bùi Anh Tuấn thay mặt nhà trường cam kết sẽ hỗ trợ các nghiên cứu sinh trong mọi mặt, nhằm hỗ trợ tối đa các nghiên cứu sinh để hoàn thành chương trình đào tạo này.

Tại buổi lễ, Amphavanh Kouangmanivanh - Tham tán phòng văn hóa giáo dục - Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cũng chúc mừng các nghiên cứu sinh của chương trình và mong rằng chương trình sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, mở rộng hơn nữa tới các nước trong khu vực.