Hội thảo giới thiệu Chương trình chuyển tiếp tại trường ĐH Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sỹ.
Ngày 24/2/2017, trường Đại học Ngoại Thương đã tổ chức thành công buổi hội thảo: “Giới thiệu Thông tin về du học chuyển tiếp tại trường Đại học khoa học Ứng dụng và nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sỹ, FHNW” với sự có mặt của đại diện trường FHNW, TS Đinh Ngọc Liên- phụ trách các chương trình đào tạo quốc tế và đông đảo sinh viên các Khoa Quản trị Kinh Doanh, Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế cũng như Tài chính Ngân hàng.
Từ năm 2013, Đại học FHNW đã thiết lập quan hệ hợp tác với Đại học Ngoại thương và hai bên đã có thỏa thuận chuyển tiếp 3+1 cho sinh viên CTTT và CLC QTKD tại trường. Theo chương trình chuyển tiếp, sinh viên theo học CTTT và CLC Quản trị Kinh doanh của Đại học Ngoại thương sau khi kết thúc chương trình học năm 2 hoặc năm 3 tại Đại học Ngoại thương sẽ được theo học tại trường FHNW theo chương trình 3+1 hoặc 2+2 để lấy bằng cử nhân tại đại học danh giá này. Đại học khoa học ứng dụng và nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sỹ, FHNW hiện đang thuộc Top 6 các trường đại học hàng đầu tại Thụy Sỹ theo đánh giá của các doanh nghiệp tuyển dụng (Economiesuisse 2012). Đến nay, đã có khá nhiều sinh viên thuộc CTTT QTKDQT đi chuyển tiếp tại trường FHNW theo chương trình 3+1 và 2+2.
Tháng 2/2017, 2 trường tiếp tục đạt được thỏa thuận công nhận tín chỉ của nhau trong đó có nội dung về chuyển tiếp theo mô hình 3+1 và 2,5+1,5, mở ra cơ hội chuyển tiếp cho sinh viên các ngành khác của trường ĐHNT bao gồm ngành Kinh tế, Kinh doanh quốc tế và Tài chính ngân hàng.
Mở đầu buổi hội thảo, TS. Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lí đào tạo đã giới thiệu một cách tổng quát những yêu cầu, tiêu chí cũng như những lợi ích dành cho sinh viên Đại học Ngoại Thương khi tham gia chương trình chuyển tiếp tại đại học FHNW. Theo đó, bắt đầu từ năm 2017, với những thoả thuận công nhận tín chỉ, FHNW đã dành cơ hội không chỉ cho sinh viên CTTT và CLC tại trường mà tất cả sinh viên thuộc hệ chính quy tại các khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, khoa Quản trị Kinh doanh và khoa Tài chính Ngân hàng hoàn toàn có cơ hội theo học chương trình chuyển tiếp 3+1 và 2.5+1.5. Các bạn chỉ cần đáp ứng đủ số môn cơ bản tại trường Ngoại Thương cũng như khả năng tiếng Anh đạt mức yêu cầu, hoàn toàn có thể theo học và nhận thêm bằng tại trường FHNW.
Trong phần tiếp theo của buổi hội thảo, TS Ngọc Liên đã chia sẻ những thông tin cụ thể về trường FHNW nói riêng và đất nước Thụy Sỹ nói chung. Đến với môi trường học tập này, sinh viên sẽ có cơ hội không chỉ được học tập, giao lưu trong môi trường học tập đa quốc gia mà đồng thời còn có thể nắm bắt cơ hội cải thiện các kỹ năng làm việc trong kinh doanh và khám phá các vùng đất mới tại châu Âu với chi phí thấp. Trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế có cơ hội giao lưu, cọ xát học tập thông qua các buổi hội thảo, làm bài tập nhóm.
Đại học FHNW Khoa học và Nghệ thuật Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sỹ là một trong 9 trường đại học về khoa học ứng dụng được công nhận bởi Liên bang Thụy Sỹ. FHNW bao gồm 9 trường trực thuộc với khoảng 11.000 sinh viên và cung cấp các khóa học trình độ khác nhau về giáo dục, nghiên cứu ứng dụng cùng phát triển và tư vấn. Trường FHNW về lĩnh vực Kinh doanh là một cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục kinh doanh và hiện đang cung cấp hơn 80 chương trình học từ trình độ đại học và sau đại học. Về danh mục đầu tư quốc tế, Trường Kinh doanh thuộc FHNW được nhiều quốc gia và cả quốc tế công nhận trong nhiều năm. Sự đổi mới, thị trường định hướng quốc tế được đánh giá cao và thúc đẩy mạnh mẽ tại đây nhờ tầm nhìn giáo dục nổi bật cũng như vị trí địa lí thuận tiện trong việc trao đổi thông tin với các nước như Pháp, Đức..
FHNW không chỉ thu hút sinh viên trong nước mà còn thu hút được rất nhiều sinh viên quốc tế. FHNW có rất nhiều chuyên nghành như kiến trúc, thiết kế, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, quản trị kinh doanh và được đặt tại 3 campus (Olten, Basel và Brugg). Với chất lượng giảng dạy tốt và cơ hội thành công khi ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn lớn, FHNW thực sự là một trong những lựa chọn hàng đầu cho sinh viên FTU đi chuyển tiếp. Có thể nói học phí và chi phí sinh hoạt là những yếu tố được quan tâm hàng đầu khi đi du học. Theo cô Ngọc Liên chia sẻ, học phí một năm tại FHNW khoảng CHF 14400 bao gồm học phí, phí đăng ký, thư viện…
Tiếp nối những nội dung ở phần mở đầu, phần hai của hội thảo cô Liên đã giới thiệu khái quát các ngành học, môn học, tín chỉ mà sinh viên có thể đăng ký học khi chuyển tiếp. Sinh viên FTU sẽ được học cùng sinh viên Thụy Sỹ cũng như sinh viên trao đổi đến từ nhiều trường trên thế giới. Trong năm cuối học tại Thụy Sỹ, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về các môn tài chính, marketing, quản trị. Ngoài ra, sinh viên còn có cơ hội được tiếp xúc với các doanh nghiệp, tập đoàn để nắm bắt được những kinh nghiệm thực tế và áp dụng vào bài project.
Phần cuối của buổi hội thảo là chương trình giao lưu trực tiếp, giải đáp mọi thắc mắc của các bạn sinh viên. Đại diện đến từ trường Đại học FHNW đã rất nhiệt tình và giải đáp rất cụ thể những câu hỏi từ sinh viên. Đa phần, vấn đề mà các bạn sinh viên khoa Quản trị kinh doanh quan tâm nhiều nhất là vấn đề đi làm thêm cũng như hỗ trợ chi phí học tập . TS Ngọc Liên cho biết, du học sinh được phép làm thêm 12 tiếng/ tuần và 20 tiếng/ tuần trong thời gian nghỉ lễ. Hơn thế nữa, cô Liên còn tạo thêm cơ hội cho các bạn sinh viên có ước mơ học tập tại Thuỵ Sỹ với nhưng bạn thực sự cầu tiến cô sẽ tạo điều kiện cho các bạn làm thêm ngay tại công ty của mình.
Đặc biệt trong phần cuối của buổi hội thảo, TS Ngọc Liên cũng đã nhiệt tình chia sẻ khó khăn, trải nghiệm của cô khi đi học và làm việc tại Thụy Sỹ. Đây thực sự là những kinh nghiệm quý báu đối với các bạn sinh viên khi đi học ở nước ngoài. Buổi hội thảo đã diễn ra tốt đẹp với rất nhiều thông tin bổ ích và quý báu dành cho các bạn sinh viên luôn khao khát ước mơ du học mà chưa tìm được một cơ hội phù hợp dành cho mình. Trường Đại học Ngoại Thương xin trân trọng cảm ơn sự có mặt và giúp đỡ đến từ cô Đinh Ngọc Liên, kính chúc cô luôn thành công trong cuộc sống!
Khoa Quản trị Kinh doanh