Sidebar

Magazine menu

05
Tue, Nov

Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế hoá Giáo dục Đại học lần thứ 7 với chủ đề "Các chi nhánh quốc tế: Cách tiếp cận mới cho các tổ chức giáo dục đại học đa quốc gia ở các nước đang phát triển"

Sự kiện tiêu biểu

Ngày 01/11/2024, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế hoá Giáo dục Đại học lần thứ 7 (Forum on Internationalization in Higher Education - FIHE 7) với chủ đề: International Branch Campuses: New Approach for Multinational Higher Education Institutions in Emerging Countries (Các chi nhánh quốc tế: Cách tiếp cận mới cho các tổ chức giáo dục đại học đa quốc gia ở các nước đang phát triển).

 Diễn đàn năm nay có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ 40 trường và tổ chức quốc tế; 50 trường và tổ chức trong nước và 25 Đại sứ quán tại Việt Nam. Hai diễn giả chính của Diễn đàn FIHE lần thứ 7 gồm: Ông Rob Stevens – Tổng Giám đốc Phát triển Đối tác Toàn cầu, Đại học Massey (New Zealand); GS Julia Gaimster – Phó Hiệu trưởng phụ trách học thuật, nghiên cứu và chương trình giảng dạy cho sinh viên Đại học RMIT Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn, về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế; Trưởng, Phó các đơn vị trong trường, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng, các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ sinh thái giáo dục đại học quốc tế. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, nhu cầu về giáo dục chất lượng cao, phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu, ngày càng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển. Việc các đại học uy tín trên thế giới thành lập các chi nhánh quốc tế đã trở thành một giải pháp hữu hiệu nhằm tạo cơ hội cho sinh viên ở những nước đang phát triển tiếp cận chuyên môn và nguồn lực tiên tiến một cách trực tiếp. Cách tiếp cận này đánh dấu một bước đi quan trọng so với các mô hình toàn cầu hóa truyền thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi văn hóa cũng như hợp tác nghiên cứu và đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang nỗ lực mở rộng cơ sở vật chất nhưng bị giới hạn bởi nguồn lực, trong khi các cơ sở giáo dục đại học quốc tế muốn thiết lập chi nhánh nhưng gặp không ít khó khăn. Với mục tiêu tạo ra một Diễn đàn nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các mô hình đổi mới trong hợp tác quốc tế giáo dục đại học, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế hoá Giáo dục Đại học lần thứ bảy (FIHE 7).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định Nhà trường tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị của quốc tế hóa giáo dục, vào sự kết nối của các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới. Trường Đại học Ngoại thương nhận thấy các chi nhánh quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp giáo dục đại học chất lượng cao nhưng việc thành lập các chi nhánh này không hề dễ dàng. Trong bài phát biểu của mình, PGS. TS. Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh cam kết của FTU trong việc tạo ra một môi trường hợp tác, nơi các tổ chức có thể giao lưu và trao đổi giải pháp để thúc đẩy sự bao trùm trong giáo dục. “FIHE là một trong những cách mà chúng tôi thực hiện sứ mệnh này,” thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn trong việc xây dựng một cộng đồng các tổ chức và nhà giáo dục cùng cam kết cho giáo dục toàn cầu. PGS, TS Bùi Anh Tuấn cảm ơn các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới đã tới tham dự Diễn đàn và sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết của họ về thành lập, vận hành các chi nhánh quốc tế thành công.

Diễn đàn năm nay có sự tham dự của các diễn giả chính là: Ông Rob Stevens – Tổng Giám đốc Phát triển Đối tác Toàn cầu, Đại học Massey (New Zealand) chia sẻ tham luận “One Opportunity, Three Ways to Go - Learnings from Massey's TNE Expansion into Singapore” (tạm dịch: Một cơ hội, Ba cách tiếp cận – Bài học từ việc mở rộng giáo dục xuyên quốc gia sang Singapore của Đại học Massey); GS Julia Gaimster – Phó Hiệu trưởng phụ trách học thuật, nghiên cứu và chương trình giảng dạy cho sinh viên Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ tham luận “RMIT University - Our experience in delivering high quality international education in Vietnam” (tạm dịch: Kinh nghiệm cung cấp giáo dục quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam của Đại học RMIT).

Bài thuyết trình chính đầu tiên – “Một cơ hội, Ba cách tiếp cận – Bài học từ việc mở rộng giáo dục xuyên quốc gia sang Singapore của Đại học Massey” được trình bày bởi ông Rob Stevens - Tổng Giám đốc Đối tác Toàn cầu của Đại học Massey, tập trung vào mô hình giáo dục xuyên quốc gia (TNE) của Massey tại Singapore. Ông Stevens đã chia sẻ về hành trình phát triển của Massey từ một trường cao đẳng nông nghiệp nhỏ, thành lập năm 1927, đến một trường đại học hàng đầu với hơn 27.000 sinh viên, trong đó có hơn 5.000 sinh viên quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia. Được xếp hạng trong top 3% các trường đại học hàng đầu thế giới, Massey đã thực hiện thành công các chương trình TNE, đặc biệt tại Singapore, giúp trường trở thành đơn vị tiên phong về TNE của New Zealand. Dựa trên kinh nghiệm của Massey, ông Stevens đã giới thiệu ba mô hình khả thi để mở rộng TNE tại Singapore: mở rộng các đối tác hiện có, tạo ra các công ty liên doanh và thành lập các phân hiệu độc lập. Ông giải thích rằng môi trường pháp lý thuận lợi của Singapore, khung pháp lý mạnh mẽ và khả năng thông thạo tiếng Anh đã biến quốc gia này trở thành một thị trường lý tưởng cho các sáng kiến TNE. Hiện tại, mô hình TNE của Massey tại Singapore đang là nền tảng cho kế hoạch mở rộng sang Việt Nam, nơi trường hy vọng sẽ cung cấp các chương trình học về Khoa học Máy tính, Kinh doanh, Nông nghiệp, Nghệ thuật Sáng tạo và Khoa học Xã hội. Ông Stevens nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lựa chọn đối tác có văn hóa tương đồng và duy trì mối quan hệ tin cậy cao. Ông chia sẻ rằng các mối quan hệ hợp tác thành công đòi hỏi sự giao tiếp cởi mở, kiên nhẫn và hiểu biết lẫn nhau. “Quan hệ đối tác là yếu tố then chốt,” ông Stevens khẳng định, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thống nhất về giá trị và mục tiêu của tổ chức để đảm bảo sự hợp tác quốc tế hiệu quả.

Bài thuyết trình thứ hai do Giáo sư Julia Gaimster – Phó Hiệu trưởng phụ trách học thuật, nghiên cứu và chương trình giảng dạy cho sinh viên tại RMIT Việt Nam trình bày với chủ đề “Kinh nghiệm cung cấp giáo dục quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam của Đại học RMIT”, tập trung vào cách thức cung cấp giáo dục quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam. Được thành lập năm 1887, RMIT nổi tiếng toàn cầu về sức mạnh trong công nghệ, thiết kế và giáo dục nghề nghiệp. Với các cơ sở tại Úc, Việt Nam và Tây Ban Nha, phân hiệu của RMIT tại Việt Nam được thành lập vào năm 2000 và đã phát triển trở thành một tổ chức giáo dục quốc tế hàng đầu trong khu vực với hơn 12.000 sinh viên tính đến năm 2023. Trong bài thuyết trình, bà Julia nhấn mạnh cam kết về đảm bảo chất lượng thông qua việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học của Úc (TEQSA) trên tất cả các cơ sở của mình. Cam kết này đạt được thông qua các biện pháp chính: áp dụng khuôn khổ chính sách nhất quán, quản lý rủi ro phù hợp với cả bối cảnh toàn cầu và địa phương, kiểm toán và điều chỉnh dịch vụ phù hợp với từng quốc gia. Bằng cách duy trì hệ thống quản trị tích hợp, RMIT đảm bảo chất lượng học thuật và hoạt động trên tất cả các địa điểm quốc tế.

Sau phần trình bày của các diễn giả chính, phiên thảo luận toàn thể của Diễn đàn đã diễn ra dưới sự điều phối của PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương. Các khách mời thảo luận về cơ hội, cũng như những khó khăn và hướng đi đầy triển vọng trong tương lai cho việc xây dựng các chi nhánh quốc tế ở các nước đang phát triển. Tham dự phiên thảo luận toàn thể có sự tham gia của Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Jennifer Bahen - Tham tán Giáo dục và Nghiên cứu, Đại sứ quán Australia; Ông Felix Wagenfeld - Trưởng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tại Việt Nam; TS Trịnh Việt Dũng - Giám đốc Phân hiệu Đông Nam Á Đại học Kuhne Logistics.

Bà Jennifer Bahen - Tham tán Giáo dục và Nghiên cứu, Đại sứ quán Australia, đã chia sẻ về vai trò của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ các trường đại học Úc hợp tác với các tổ chức giáo dục Việt Nam. Bà nhấn mạnh rằng Đại sứ quán không chỉ tạo điều kiện cho các trường đại học Úc mở rộng tại Việt Nam mà còn giúp họ hiểu sâu về bối cảnh văn hóa, chính trị và xã hội của đất nước. "Chúng tôi không muốn các trường đại học Úc đến Việt Nam mà không hiểu rõ về đất nước này," bà Jennifer nói, nhấn mạnh rằng sự hiểu biết về văn hóa và các yếu tố xã hội là rất quan trọng để đảm bảo một mối quan hệ hợp tác thành công và bền vững. Bà cũng nhấn mạnh rằng các phân hiệu quốc tế đại diện cho hình ảnh quốc gia của mình, vì vậy Đại sứ quán Australia sẽ đảm bảo rằng các trường đại học Úc vận hành chỉnh chu và mang những giá trị tốt nhất của nền giáo dục Úc đến với sinh viên Việt Nam. Khi được hỏi về cách xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, dung hòa các khác biệt về văn hóa, giáo dục và vận hành giữa các trường đại học của hai quốc gia, bà Jennifer đã đưa ra ví dụ về các trường đại học Úc như University of Queensland, gần đây đã triển khai một chương trình hợp tác mới với Trường Đại học Ngoại thương. Theo bà, các trường đại học Úc cần mang đến bản sắc và đặc trưng riêng của mình nếu muốn có chỗ đứng tại Việt Nam. Bà Jennifer cũng nhấn mạnh rằng hợp tác với Việt Nam cần mang lại lợi ích cho cả hai bên, và bày tỏ mong muốn có thêm sinh viên Úc đến Việt Nam học tập, tạo ra sự trao đổi hai chiều thay vì chỉ có sinh viên Việt Nam đến Úc. Bà cho rằng sự tương tác này sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm học tập và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hóa và hệ thống giáo dục.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một cựu sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương, bày tỏ niềm tự hào khi được quay trở lại “ngôi nhà xưa” của mình. Ông chia sẻ thêm rằng Việt Nam đang hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, theo định hướng của Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Ông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tạo điều kiện cho các phân hiệu quốc tế tại Việt Nam. Mặc dù còn gặp nhiều thách thức về pháp lý và quy trình, ông khẳng định rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nỗ lực xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ, nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam.

Với góc nhìn từ lĩnh vực logistics, TS Trịnh Việt Dũng - Giám đốc Phân hiệu Đông Nam Á Đại học Kuhne Logistics (KLU) đã chia sẻ về chiến lược mở rộng của KLU trong khu vực. Ông cho biết KLU đặt mục tiêu mở rộng với ba phân hiệu quốc tế tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, và trong đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất ở khu vực châu Á nhờ vào nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành logistics. Tuy nhiên, TS Trịnh Việt Dũng nhấn mạnh rằng, do là một trường đại học nhỏ, KLU không có ý định thành lập một cơ sở độc lập tại Việt Nam mà sẽ tập trung vào việc hợp tác với các trường đại học trong nước. Theo ông, KLU không chỉ muốn “xuất khẩu” nhân lực từ Đức sang Việt Nam mà muốn tìm hiểu sâu sắc về bối cảnh xã hội, thị trường và nhu cầu cụ thể trong ngành logistics tại Việt Nam. Chiến lược của KLU là hợp tác chặt chẽ với các trường đại học Việt Nam để phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường. Qua sự hợp tác này, ông Dũng hy vọng KLU có thể đóng góp vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics tại Việt Nam và tạo ra giá trị lâu dài cho thị trường địa phương.

Ông Felix Wagenfeld - Trưởng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tại Việt Nam (DAAD) đã chia sẻ những kinh nghiệm của DAAD trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục quốc tế. Ông cho biết DAAD là tổ chức lớn nhất thế giới trong lĩnh vực hỗ trợ và thúc đẩy trao đổi giáo dục quốc tế, không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam sang Đức học tập mà còn hỗ trợ các trường đại học Đức trong việc phát triển các chương trình hợp tác với Việt Nam. Theo ông, chiến lược hợp tác lâu dài và chặt chẽ với các trường đại học Việt Nam giúp tạo dựng một nền tảng vững chắc cho các chương trình quốc tế hóa giáo dục, mang đến cho sinh viên Việt Nam những cơ hội học tập. Ông Wagenfeld cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù Đức ít chú trọng đến việc thành lập các phân hiệu quốc tế độc lập, nước này lại đặc biệt quan tâm đến mô hình giáo dục xuyên quốc gia (transnational education). Thay vì xây dựng các cơ sở độc lập ở nước ngoài, các trường đại học Đức thường lựa chọn hợp tác với các tổ chức giáo dục tại địa phương để triển khai các chương trình học tập quốc tế ngay tại quốc gia đối tác. Theo ông, chiến lược này không chỉ tiết kiệm nguồn lực mà còn giúp các chương trình hợp tác thích ứng tốt hơn với bối cảnh văn hóa và xã hội địa phương, mang lại lợi ích song phương.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, “Xuyên suốt các phiên thảo luận hôm nay, các diễn giả cùng các đại biểu đã nhất trí rằng việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nắm bắt các cơ hội, giải quyết thách thức và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng là những yếu tố cốt lõi để phát triển các chi nhánh quốc tế (IBCs) tại các quốc gia mới nổi, đặc biệt là Việt Nam”. Trên cơ sở đó, diễn đàn đã thống nhất các nguyên tắc chính, gồm: Vai trò của IBCs trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng; Giải quyết thách thức; Chất lượng và Đổi mới sáng tạo trong Giáo dục Đại học. Mặc dù việc thiết lập IBCs có thể gặp khó khăn do những khác biệt về quy định và văn hóa, những thách thức này có thể được giải quyết thông qua việc sớm tham gia với các bên liên quan và xây dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức trong nước.

PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời cần liên tục cải tiến phương pháp giảng dạy và thực hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sinh viên và yêu cầu của bức tranh giáo dục toàn cầu. PGS, TS Phạm Thu Hương cũng khẳng định rằng việc duy trì mối quan hệ hợp tác liên tạo ra một hệ sinh thái giáo dục liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, chính phủ và các doanh nghiệp, giúp thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học và đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa, đồng thời hỗ trợ phát triển địa phương.

“Những nguyên tắc này phản ánh tầm nhìn chung của chúng ta về tương lai của giáo dục đại học tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới, và chúng tôi cam kết sẽ biến những nguyên tắc này thành hành động cụ thể”. Nhân dịp này PGS, TS Phạm Thu Hương đã gửi lời cảm ơn chân thành và trân trọng mời các đại biểu tiếp tục tham gia vào các sự kiện FIHE trong tương lai, bày tỏ niềm lạc quan về những mối quan hệ và cơ hội hợp tác sẽ được mở rộng sau sự kiện này. PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh rằng FIHE không chỉ là nơi để các nhà giáo dục và chuyên gia quốc tế gặp gỡ, mà còn là một nền tảng thúc đẩy đổi mới và chia sẻ tri thức giữa các quốc gia. Cô cũng bày tỏ hy vọng rằng FIHE sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng và động lực cho những sáng kiến giáo dục toàn cầu trong tương lai.
--------------
Các Truyền hình - Báo đưa tin về chương trình:
+ VTV1: https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen/vtv1/viet-nam-hom-nay-0.htm
+ Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội:
https://hanoionline.vn/video/dien-dan-quoc-te-hoa-giao-duc-dai-hoc-lan-thu-7-277129.htm
https://hanoionline.vn/video/kinh-nghiem-trong-quoc-te-hoa-giao-duc-dai-hoc-277309.htm
+ Truyền hình Quốc hội: https://quochoitv.vn/dien-dan-quoc-te-hoa-giao-duc-241548.htm
+ Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Từ 3:48): https://youtu.be/4m_l3jHDhLg?si=jXCDB72Fufs35yD5
+ Báo Nhân dân: https://nhandan.vn/sinh-vien-tiep-can-nen-giao-duc-quoc-te-chat-luong-cao-ma-khong-can-du-hoc-post842591.html
+ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: https://dangcongsan.vn/giao-duc/thuc-day-su-phat-trien-cua-giao-duc-dai-hoc-dap-ung-nhu-cau-toan-cau-hoa-682088.html
+ Báo Đại biểu Nhân dân: https://daibieunhandan.vn/thuc-day-dai-hoc-quoc-te-thiet-lap-chi-nhanh-tai-viet-nam-post395106.html
+ Báo GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-tiep-can-moi-cho-cac-to-chuc-giao-duc-dai-hoc-da-quoc-gia-post706915.html
+ Tiền phong: https://tienphong.vn/ban-ve-thanh-lap-chi-nhanh-dai-hoc-quoc-te-tai-viet-nam-post1687626.tpo
+ Báo Tuổi trẻ: https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-thich-ung-the-nao-khi-sinh-vien-khao-khat-tiep-can-tri-thuc-dang-cap-the-gioi-20241101171016819.htm
+ Báo Dân trí: https://dantri.com.vn/giao-duc/cac-truong-dai-hoc-voi-cuoc-dua-kiem-dinh-chat-luong-quoc-te-20241101151830072.htm
+ VOV: https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/go-kho-cho-co-so-giao-duc-dai-hoc-quoc-te-muon-thiet-lap-chi-nhanh-tai-viet-nam
+ VietnamNews: https://vietnamnews.vn/society/1666188/forum-promotes-international-cooperation-in-higher-education.html
+ Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông: https://www.vietnam.vn/sinh-vien-tiep-can-nen-giao-duc-quoc-te-chat-luong-cao-ma-khong-can-du-hoc/#gsc.tab=0
+ CafeF: https://cafef.vn/xu-huong-thanh-lap-chi-nhanh-tai-viet-nam-cua-cac-dai-hoc-danh-tieng-the-gioi-mo-canh-cua-du-hoc-tai-cho-tiep-can-tri-thuc-toan-cau-188241101191950065.chn
+ Báo Dân Việt: https://danviet.vn/1-co-hoi-3-cach-tiep-can-giup-truong-cd-tro-thanh-dh-top-3-the-gioi-kinh-nghiem-cho-viet-nam-20241101155833692.htm
+ Bizlife: https://nghenghiepcuocsong.vn/hop-tac-quoc-te-la-con-duong-giup-cac-truong-dai-hoc-di-nhanh-hon-hieu-qua-hon/