Sidebar

Magazine menu

25
Thu, Apr

Hội thảo “Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”

Tin tức khác

Ngày 07/06/2022, Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đã tổ chức Hội thảo cấp trường “Tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”.

 Tham dự hội thảo về phía khách mời có PGS, TS Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, PGS, TS Nguyễn Văn Thạo – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. 4 diễn giả chính của hội thảo gồm: PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, trường ĐH Ngoại thương; Ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Gama Group; Ông Hoàng Phi Long - Đại diện Công ty iCheck; Bà Phạm Thu Hằng – Giám đốc Công ty truyền thông 5S Media. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng, PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện KT&KDQT cùng đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Bùi Anh Tuấn đã khẳng định đại dịch Covid 19 đã gây ra những biến động lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới” là yêu cầu đặt ra hết sức bức thiết để giúp các doanh nghiệp chuyển mình mạnh mẽ hậu đại dịch.

Đại diện cho Viện, trường và các doanh nghiệp, các diễn giả đã lần lượt chia sẻ về các nội dung xoay quanh chủ đề Hội thảo, cụ thể như sau:

PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh với tham luận: “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số”. Tham luận nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng, cấp thiết của việc chuyển đổi số doanh nghiệp do thị trường sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi rất lớn và ranh giới giữa các ngành bị xoá nhoà, khách hàng là người quyết định ra sản phẩm và doanh nghiệp cạnh tranh bằng cơ hội, tốc độ và giá trị. Vì vậy, doanh nghiệp bắt buộc phải tái cấu trúc, xây dựng các mô hình về hệ sinh thái, lan toả thành cộng đồng, thay đổi hình thái để thích ứng với thời đại số, tư duy để thay đổi mô hình kinh doanh và chiến lược sản phẩm. Doanh nghiệp cần hoàn thiện mô hình kinh doanh thực tế, dựa trên nền tảng số để phát triển một hệ sinh thái kinh doanh số.

Ông Nguyễn Hải Đức với tham luận “Tái cấu trúc hệ sinh thái ngành công nghiệp thang máy và cơ hội cho doanh nghiệp SME Việt Nam”. Diễn giả đã chỉ ra rằng ngành thang máy là ngành có công nghiệp đặc thù. Mỗi năm có 250.000 thang máy được đưa vào hoạt động và 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và đang đang gặp rất nhiều thách thức bởi lao động chưa có đào tạo về chuyên môn và kỹ năng nghề; cộng đồng rời rạc và hạn chế về vốn nên việc thay đổi lại thị trường và tái cấu trúc là hết sức cấp thiết.

Ông Hoàng Phi Long với tham luận “Phát triển kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông minh” đã khẳng định truy xuất nguồn gốc mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động. Tuy nhiên việc truy xuất nguồn gốc hàng hoá cần có sự tham gia của tất cả các bên.

Bà Phạm Thu Hằng thông qua bài tham luận “Sáng tạo kinh doanh: Giải pháp ứng phó thành công với đại dịch Covid-19 của SMEs Việt Nam” đã chia sẻ câu chuyện thực tiễn mà 5S Media đã áp dụng để thích nghi vượt qua hoàn cảnh trong giai đoạn Covid-19.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự hội thảo đã tiến hành trao đổi, thảo luận. Các đại biểu đều nhất trí bối cảnh “bình thường mới” đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải đổi mới chuỗi cung ứng để giữ được những khâu có giá trị gia tăng cao. Việc tái cơ cấu cần mang tính chiến lược theo hướng doanh nghiệp chuyển sang những ngành sản xuất có khả năng tạo ra tính độc lập tự chủ của nền kinh tế bền vững. Các doanh nghiệp muốn thực hiện chuyển đổi trong thời kỳ kinh tế số cần tái cấu trúc sản xuất kinh doanh trên cơ sở có hệ thống dữ liệu riêng của công ty và cơ sở dữ liệu chung của quốc gia, tái cấu trúc nguồn nhân lực, tái cấu trúc quản trị và đổi mới công nghệ, tái cấu trúc về tài chính.