Sidebar

Magazine menu

23
Sat, Nov

Buổi tập huấn “Phương pháp giảng dạy thu hút sinh viên và Kỹ năng ứng biến tình huống trong lớp học”

Tin tức khác

Ngày 27/04/2023, các viên chức trợ giảng của Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục hành trình phát triển nghề nghiệp trong buổi Tập huấn “Phương pháp giảng dạy thu hút sinh viên và Kỹ năng ứng biến tình huống trong lớp học”.

Đây là cơ hội để các viên chức trợ giảng và giảng viên trẻ tiếp nhận tài sản quý giá mà các thầy cô giảng viên giàu kinh nghiệm đã đúc kết rồi trao tặng lại cho thế hệ kế cận.

Trong buổi Tập huấn, các trợ giảng đã nhận được lời động viên rất ý nghĩa từ PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch hội đồng trường: “Học tập là việc suốt đời. Hy vọng qua chương trình bồi dưỡng này, các trợ giảng trẻ học được nhiều điều, phát huy tốt sở trường của bản thân, hoàn thành Đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức trợ giảng”. Cô Thủy cũng nhấn mạnh rằng, “Thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự” là một trong ba trụ cột chính của Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn 2040, và được Nhà trường dành nhiều sự quan tâm”. Những lời chia sẻ từ PGS, TS Lê Thị Thu Thủy đã động viên, khích lệ các viên chức trợ giảng, qua đó, các giảng viên tương lai cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của công việc và có thêm động lực để tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn cho mình.

Bên cạnh việc phát triển chuyên môn, chương trình còn là cầu nối giúp các trợ giảng có cơ hội giao lưu, học hỏi và trải nghiệm. Thông qua thử thách “Xây tháp trí tuệ” – kiến tạo một tòa tháp làm từ sợi mỳ spaghetti và đất sét dính, các trợ giảng được tăng cường khả năng giao tiếp, sáng tạo và làm việc nhóm. Trong quá trình thực hiện thử thách, các trợ giảng đã nhận ra tòa tháp nếu muốn xây cao mà không đổ thì phải có nền móng vững chãi, qua đó, rút ra bài học đầu tiên: Muốn vươn cao vươn xa thì nền móng phải thật vững chắc. Nền móng của người giảng viên chính là kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cùng với năng lực và kỹ năng giảng dạy. Thành quả của ba đội chơi là ba tòa tháp với các hình dáng khác nhau tượng trưng cho những cá nhân có lối tư duy, phong cách, khả năng và sở trường khác nhau. Điều đó phản ánh một trong những giá trị cốt lõi của Trường ĐH Ngoại thương - Tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt, đa dạng của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Vì vậy, các trợ giảng cần luôn khác biệt để dẫn đầu, giữ vững tinh thần đổi mới sáng tạo của người Ngoại thương. Bài học thứ ba rằng đất sét - những mối nối, mắt xích quan trọng để gắn kết các kiến thức và kỹ năng mà các trợ giảng tích lũy được chính là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các viên chức trợ giảng. Lượng đất sét quá ít sẽ không kết nối được các tầng của tòa tháp trí tuệ, nhưng quá nhiều đất sét sẽ tạo sức nặng lớn khiến các sợi mì không chịu được và đứt gãy. Tương tự với việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, mỗi trợ giảng sẽ có tốc độ học hỏi, phát triển và ngưỡng tiếp thu khác nhau, do đó, mỗi người cần chủ động tự thiết kế những chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo nhu cầu, khả năng và sở trường của mình. Các khóa đào tạo nên được tổ chức linh hoạt như những viên đất sét mềm dẻo và co giãn.

Phần chia sẻ của các diễn giả - chuyên gia giáo dục giàu kinh nghiệm của Trường ĐH Ngoại thương đã đem đến những nội dung hấp dẫn, tạo nên điểm nhấn đặc biệt cho chương trình. Mở đầu là phần chia sẻ của TS Hoàng Anh Duy – Trưởng bộ môn Nghiệp vụ, Viện Phát triển Nguồn Nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) với chủ đề “Cách kết hợp các phương pháp dạy học nhằm giữ sự tập trung cao độ của sinh viên khi truyền tải nội dung lý thuyết trong một lớp với sĩ số đông”. Với nhiều năm kinh nghiệm đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình tại Đài truyền hình Việt Nam và các sự kiện lớn khác, TS Hoàng Anh Duy đã truyền cảm hứng cho các giảng viên tương lai trong việc xây dựng mối liên kết, tạo sự thoải mái cho sinh viên và giữ được sự tập trung, hứng thú của sinh viên trong suốt buổi học. Ngoài ra, TS Hoàng Anh Duy còn nhấn mạnh rằng, giảng viên cần phối hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau để đạt hiệu quả mong muốn, chẳng hạn như: sử dụng các câu hỏi và câu chuyện để khơi gợi sự tò mò và sự quan tâm của sinh viên đối với nội dung học tập; tổ chức các trò chơi và cuộc thi để kích thích sự cạnh tranh, tạo không khí học tập tích cực và vui vẻ, giảm căng thẳng; tạo ra các hoạt động nhóm để thúc đẩy sự tương tác và trao đổi giữa các sinh viên trong lớp và giúp sinh viên giữ sự tập trung cao độ trong suốt quá trình học. TS Hoàng Anh Duy đã tạo nên một không gian chia sẻ cởi mở, hào hứng, gợi mở cho các trợ giảng về phương pháp giảng dạy đại học, tiếp cận sinh viên từ góc nhìn tâm lý học.

Tiếp nối chương trình, TS Phương Tố Tâm – Giảng viên Khoa Tiếng Anh thương mại đã chia sẻ chủ đề “Cách kết hợp các phương pháp dạy học để tạo nên không gian học tập cởi mở gần gũi, khuyến khích sinh viên chia sẻ ý kiến, tham gia vào bài giảng, mà vẫn đảm bảo vai trò dẫn dắt lớp học của giảng viên”. Với kinh nghiệm giảng dạy phong phú và nhiều năm nghiên cứu giáo dục tại nước ngoài, TS Phương Tố Tâm đã chia sẻ những quan điểm giáo dục hiện đại và đổi mới từ góc nhìn khoa học, chẳng hạn như: áp dụng nguyên tắc 3H (Head – Kiến thức, Heart – Tình cảm, Hand – Kỹ năng) vào hoạt động giảng dạy; ứng dụng quy luật 20-60-20 để mô tả sự phân bố của sinh viên trong lớp học. Theo quy luật này, có 20% sinh viên không tham gia nhiều vào các hoạt động học tập, không hiểu bài và thường im lặng trong lớp học; 60% số sinh viên tích cực tham gia vào hoạt động học tập, đóng góp ý kiến và thảo luận; cuối cùng 20% số sinh viên còn lại là những sinh viên có phương pháp học tập chủ động và khả năng tự học, tự nghiên cứu tốt. Qua đây, các trợ giảng học hỏi được cách thiết kế các hoạt động học tập phù hợp với từng nhóm sinh viên, đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp để sinh viên cởi mở, gần gũi và tích cực tương tác hơn trong giờ học.

Cuối cùng là phần chia sẻ của diễn giả ThS Lý Nguyên Ngọc – Giảng viên Viện Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế với chủ đề “Hầu đồng và giảng dạy, một vài chia sẻ để tạo ra hành trình trải nghiệm độc đáo cho sinh viên”. ThS Lý Nguyên Ngọc cho rằng: “Giống như nghi lễ hầu đồng, người giảng viên đứng trên bục giảng là việc vô cùng thiêng liêng. Công tác chuẩn bị cho một buổi lễ hầu đồng cần sự chỉn chu và công phu giống như việc chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp của giảng viên”. Từ quan điểm đó, người giảng viên cần nỗ lực tạo ra trải nghiệm xuyên suốt cho sinh viên trong quá trình học như: sử dụng âm nhạc trong buổi học giúp tăng cường sự tập trung, tạo môi trường học tập tích cực, thoải mái cho sinh viên; nhận phản hồi từ sinh viên sau 2 buổi học để đánh giá chất lượng bài giảng; liên tục cải thiện phương pháp giảng dạy, tạo sự tin tưởng và tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Từ góc nhìn của một giảng viên trẻ, những lời chia sẻ của thầy Ngọc tạo nên một không khí trao đổi chân thật, gần gũi với các trợ giảng.

Buổi tập huấn khép lại với phần giao lưu hỏi đáp sôi nổi giữa các trợ giảng, giảng viên trẻ cùng các thầy cô chuyên gia về cách ứng biến các tình huống trong lớp học. Theo đó, các thầy cô diễn giả đều nhất trí với quan điểm: Giảng viên cần kiểm soát được kỳ vọng của mình đối với sinh viên, đảm bảo thực hiện tốt công việc giảng dạy và tập trung vào những năng lượng tích cực, năng lượng tiêu cực có thể xử lý sau. Qua đây, các trợ giảng học được cách cân bằng cảm xúc trong công việc và giữ gìn sức khỏe tinh thần.

Chương trình Training workshop “Phương pháp giảng dạy thu hút sinh viên và Kỹ năng ứng biến tình huống trong lớp học” đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các viên chức trợ giảng của Trường ĐH Ngoại thương. Đây không chỉ là một hoạt động bồi dưỡng thông thường, mang lại kiến thức cho các trợ giảng, mà còn là một không gian để các thế hệ giảng viên của Trường ĐH Ngoại thương kết nối, chia sẻ và thấu hiểu nhau hơn. Qua đó, các giảng viên tương lai đã và đang trưởng thành hơn, kế thừa tinh thần đổi mới sáng tạo, cảm hứng nghề và văn hóa của Nhà trường. Chúc các viên chức trợ giảng của Trường ĐH Ngoại thương luôn tràn đầy năng lượng để tiếp tục hành trình hoàn thiện bản thân, vun đắp cho Ngoại thương của hiện tại và tương lai.