Sidebar

Magazine menu

22
Sun, Dec

Ủy Ban định hướng Dự án VJCC họp thường niên tại Hà Nội cho giai đoạn 2023-2025

Tin tức khác

Ngày 23/4/2024, Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) đã tổ chức Cuộc họp Ủy Ban định hướng Dự án VJCC thường niên với mục đích cùng nhìn lại những kết quả mà Dự án VJCC đã đạt được trong năm 2023 và đề ra những định hướng và kế hoạch thực hiện cho hai năm tiếp theo 2024-2025, nhằm đạt được mục tiêu của Pha 2 Dự án VJCC là “Đưa VJCC trở thành trọng điểm phát triển và kết nối nguồn nhân lực kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam thông qua Dự án VJCC và ghi nhận sự hợp tác rất mật thiết của Cơ quan JICA cho Dự án VJCC để giúp Dự án trở thành một trong những Dự án thành công điển hình của JICA trên thế giới. Hiệu trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi họp thường niên của Ủy ban định hướng và kỳ vọng nhiều về việc trao đổi thẳng thắn, cởi mở, hướng tới đạt được mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của Dự án VJCC giai đoạn 2023 - 2025.

Với vai trò là người đại diện đơn vị thực hiện Dự án, PGS, TS Nguyễn Thị Hiền, Viện trưởng Viện VJCC đã trình bày những kết quả hoạt động và hiệu quả vận hành trong năm 2023 với nhiều điểm mới đáng chú ý. Bên cạnh việc duy trì quy mô và chất lượng đào tạo của các chương trình dành cho doanh nghiệp như chương trình Kinh doanh cao cấp - Keieijuku, Giám đốc sản xuất chuyên nghiệp, CEO - Giám đốc điều hành chuyên sâu,... các khóa đào tạo mở mới như CFO - Giám đốc tài chính chuyên sâu, các khóa đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp được mở rộng và gia tăng về cả số lượng lẫn giá trị hợp đồng ở nhiều lĩnh vực trên nhiều tỉnh thành cả nước. Năm 2023 đánh dấu bằng một số thỏa thuận hợp tác quan trọng ký kết giữa Viện VJCC và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - JCCI, với Học viện đào tạo Vietjet Air, thể hiện thành quả của quá trình gây dựng mối quan hệ với nhiều tổ chức và doanh nghiệp hai nước. Sự thành công của Dự án VJCC cũng được ghi nhận trong quá trình triển khai đào tạo Cử nhân Chất lượng cao (CLC) Kinh doanh quốc tế (cấp bằng chính quy Trường ĐH Ngoại thương) với 01 chương trình đào tạo mới về Kinh doanh số (DB) bên cạnh chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB). Viện trưởng Viện VJCC khẳng định Dự án đã và đang bám sát từng hạng mục yêu cầu của Khung dự án, đặc biệt là các chỉ số về tỷ lệ nội địa hóa chuyên gia giảng dạy, mức độ tự chủ trong vận hành các khóa học Tiếng Nhật, mức độ tự chủ trong quỹ lương nhân viên,... Đồng thời, tại cuộc họp, Viện trưởng cũng đề xuất và xin ý kiến của Ủy ban định hướng về kế hoạch cải tạo đổi mới cơ sở vật chất tại Tòa nhà VJCC Hà Nội trong năm 2024 và một số hoạt động mới nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Viện VJCC với các trường Đại học, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp của Nhật Bản cũng như phát triển nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên nhân viên của Viện VJCC trong năm 2024-2025, hướng tới sự phát triển bền vững cho VJCC.

Trên cương vị cố vấn trưởng Dự án VJCC, ông Yoneda Kazuhiro đã trình bày về tiến trình và mức độ thực hiện các chỉ tiêu đầu ra trong giai đoạn 2023 - 2025 của Dự án. Một số chỉ tiêu đạt mức xuất sắc như mức độ hài lòng của học viên Keieijuku tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đạt mức trên 90% học viên “rất hài lòng”; sự kết nối cộng hưởng trong đào tạo về phương thức quản trị Nhật Bản giữa các chương trình đào tạo cử nhân và đào tạo doanh nhân Keieijuku; mức độ gia tăng kết nối hợp tác giữa Viện VJCC với các doanh nghiệp và trường đại học Nhật Bản đạt 140% chỉ tiêu v.v Cố vấn trưởng đánh giá rằng nội dung của các chương trình đào tạo, các hoạt động kết nối… đều phù hợp với tầm nhìn và chiến lược dài hạn của Viện VJCC. Ông cũng nêu lên kế hoạch cho 2 năm tiếp theo trong việc chú trọng nâng cao chất lượng của hoạt động kết nối kinh doanh (business matching) và các hoạt động tư vấn doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa năng lực quản lý và vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu mới và tăng giá trị gia tăng của hoạt động kết nối kinh doanh, tạo sự bền vững về tài chính cũng như vận hành của Dự án VJCC. Các thành viên Ủy ban định hướng đều đánh giá cao kết quả thực hiện của Dự án, ghi nhận nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện VJCC.

Phát biểu tại buổi họp, ông Kubo Yoshitomo ghi nhận những nỗ lực của Viện VJCC đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động tuyển sinh, giảng dạy không chỉ trong các khóa đào tạo doanh nghiệp mà còn ở các chương trình đào tạo cử nhân JIB và DB. Ngài Phó trưởng đại diện đánh giá cao việc lồng ghép các chủ đề phù hợp với thời đại, chẳng hạn như DX và ESG,... vào các bài giảng trong chương trình giảng dạy của Viện VJCC. Ông cũng đặc biệt ghi nhận sự thành công của hoạt động kết nối kinh doanh mà Dự án VJCC đã thực hiện trong năm vừa qua và kỳ vọng nguồn nhân lực giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng hợp tác thông qua nhiều hoạt động triển khai tại Viện VJCC. Ông Kubo Yoshitomo khẳng định JICA sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Dự án VJCC để Viện VJCC ngày càng có nhiều đóng góp hữu ích vào phát triển nguồn nhân lực kinh doanh thích ứng với môi trường mới và lãnh đạo xã hội.

Tại phiên thảo luận, PGS, TS Phạm Thu Hương đề xuất những cách thức khai thác các mối quan hệ hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương với hơn 500 đối tác Nhật Bản dựa trên các Thỏa thuận hợp tác còn hiệu lực nhằm gia tăng thêm các hoạt động cho Dự án VJCC, mở rộng đối tượng đào tạo và nội dung đào tạo cho vị trí quản lý cấp trung, không chỉ ở doanh nghiệp mà còn ở ngay tại Trường ĐH Ngoại thương. Phó Hiệu trưởng cũng đề nghị Viện VJCC nghiên cứu, tiếp cận mô hình quản trị điều hành đối với đề án về đào tạo Thạc sĩ trong tương lai, dựa trên tiếp cận ứng dụng và có tính tiếp nối với các khóa đào tạo kinh doanh hiện nay của Dự án VJCC.

Kết thúc cuộc họp, các thành viên Ủy ban định hướng đều nhất trí với các đánh giá hoạt động và kết quả mà Dự án VJCC đã đạt được, cùng thống nhất gia hạn Pha thứ 2 của Dự án đến tháng 12/2026; thống nhất với kế hoạch nâng cấp đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị tại VJCC Hà Nội trong năm 2024 và đi đến thống nhất chiến lược hoạt động trong năm 2024 của Dự án VJCC, hướng đến sự phát triển bền vững của Viện VJCC đặt trong bối cảnh phát triển chung của Trường ĐH Ngoại thương.

Với sự tin tưởng, ủng hộ tích cực của các cơ quan, tổ chức chính phủ hai nước Việt Nam, Nhật Bản, sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương, sự hợp tác hữu hảo của Cơ quan JICA, Viện VJCC sẽ tiếp tục vững bước trong những năm tiếp theo, hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu của Dự án nói riêng và của các mục tiêu chiến lược của Viện VJCC nói chung, đáp lại kỳ vọng và niềm tin của Trường ĐH Ngoại thương, Cơ quan JICA, các Bộ Ban ngành và đặc biệt là của các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.