Sidebar

Magazine menu

06
Sun, Oct

Lễ khai giảng “Khoá bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu cho nhà nghiên cứu trẻ nhằm thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo”

Tin tức khác

Ngày 22/9/2024, Phòng Tổ chức Nhân sự, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng với Phòng Quản lý khoa học và Viện Nghiên cứu sáng tạo tổ chức Ngày định hướng và khai giảng “Khoá bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu cho nhà nghiên cứu trẻ nhằm thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo” (Creative Research Empowerment For Young Scholars, CREFYS) tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chương trình là sự kiện khởi động của khoá bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho 35 nhà nghiên cứu trẻ hiện đang làm việc tại trường ĐH Ngoại thương hướng tới thực hiện các nghiên cứu sáng tạo, dưới sự hỗ trợ của Ban tổ chức cũng như những giảng viên đồng hành có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực liên ngành.
Tham gia chương trình định hướng vào buổi sáng, có PGS, TS Nguyễn Minh Hằng - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo; TS. Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS), cùng 35 nhà nghiên cứu trẻ và 10 thầy, cô là giảng viên đồng hành.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS Nguyễn Minh Hằng - Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, nhấn mạnh đến Chiến lược của Trường ĐH Ngoại thương trở thành đại học đổi mới sáng tạo. Trong thời gian qua, Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, truyền cảm hứng và thay đổi trong nhận động và hành động của giảng viên, chuyên viên, người lao động và người học. Từ góc độ nghiên cứu khoa học, hoạt động nghiên cứu của Nhà trường trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích, kết quả đáng khích lệ. Hoạt động nghiên cứu sáng tạo góp phần thực hiện Chiến lược nêu trên của Nhà trường. Tuy Nhiên, nhiều giảng viên trẻ, nhà nghiên cứu trẻ trong Nhà trường, nhất là những thầy cô mới được tuyển dụng, cần được trang bị những phương pháp, kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiên cứu nói chung và nghiên cứu sáng tạo nói riêng. Do đó, khóa bồi dưỡng này, lần đầu được tổ chức với nhiều thay đổi trong cách tiếp cận và cách thức thực hiện, sẽ giúp các giảng viên trẻ, nhà nghiên cứu trẻ được trau dồi những kiến thức, kỹ năng đó. PGS, TS Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh chương trình bồi dưỡng được Tập thể lãnh đạo Nhà trường ủng hộ và rất mong đợi các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ tham gia chương trình sẽ phát huy được sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết để tham gia và hoàn thành tốt chương trình với những kết quả thể hiện rõ sự sáng tạo.
Mở đầu cho chương trình kết nối, TS Nguyễn Thu Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu sáng tạo và triển khai những hoạt động nhằm khởi động chương trình. Thông qua 4 câu hỏi cơ bản đã giúp các giảng viên xác định được từ khoá, mục tiêu, khả năng cũng như những nguyên tắc xuyên suốt quá trình diễn ra khoá đào tạo. Các giảng viên đã thực hiện chia sẻ, đóng góp những mong muốn, nhu cầu xuyên suốt quá trình thực hiện nghiên cứu.
Tiếp nối chương trình, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà đã trình bày chi tiết hơn nội dung chương trình bồi dưỡng. Phần giới thiệu của PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà giúp các giảng viên tham gia vào chương trình hiểu rõ hơn về những yêu cầu, lợi ích mà Khoá đào tạo đem lại. Khung chương trình được thiết kế cẩn thận, bao gồm năm nội dung chính: i) truyền cảm hứng và đam mê nghiên cứu khoa học; ii) đào tạo về phương pháp nghiên cứu; iii) thực hành; iv) đồng hành, tư vấn, chia sẻ; v) nâng cao kỹ năng viết. Từ đó, chương trình được thiết kế trải dài trong 6 tháng với 01 ngày định hướng và khai giảng, 08 buổi đào tạo, 04 buổi tọa đàm và 01 lễ tổng kết. Thông qua đó, Ban tổ chức mong rằng có thể nâng cao được năng lực nghiên cứu của học viên tham gia vào khóa học.


Dưới sự hỗ trợ của TS Nguyễn Thu Hằng, chương trình đã kết nối được các học viên với những giảng viên đồng hành dựa trên hai hoạt động chia sẻ về bản thân thông qua vẽ tranh. Sau đó, các nhóm hoạt động để lên kế hoạch, những cam kết, mục tiêu hướng đến trong khoá đào tạo lần này.


Tiếp nối chương trình buổi sáng là Tọa đàm “Thúc đẩy đam mê và tư duy nghiên cứu sáng tạo trong nghiên cứu khoa học tại trường ĐH Ngoại thương” với sự tham gia của các diễn giả: PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học; PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm FIIS.

Mở đầu buổi Tọa đàm là phần trao đổi về “Phương pháp tiếp cận cách tư duy sáng tạo và nghiên cứu sáng tạo” của PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Bằng phương pháp đặt ra sự hoài nghi dựa trên những kết quả đã tìm được, PGS, TS Phạm Thu Hương chỉ ra những vấn đề được ẩn giấu đằng sau những khả năng có thể xảy ra. Đồng thời cô cũng nhấn mạnh việc chúng ta không thể sáng tạo khi nền tảng còn chưa vững, phải hiểu và thật vững về các phương pháp nghiên cứu truyền thống rồi mới có thể nghiên cứu sáng tạo. Vai trò của Viện Nghiên cứu sáng tạo chính là một hướng đi mới, thoát khỏi những nghiên cứu truyền thống để có thể tư duy và đưa ra một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu. Đây chính là hướng đi tạo nên đặc trưng của Trường ĐH Ngoại thương.


Trong phần tiếp theo của chương trình, PGS, TS Vũ Hoàng Nam có bài chia sẻ về Nghiên cứu sự phát triển của Giảng viên thông qua Nghiên cứu khoa học. Trong phần chia sẻ của mình, PGS, TS Vũ Hoàng Nam đã trình bày quá trình nghiên cứu của đề tài này, từ việc tìm hiểu kỹ vấn đề và đặt rõ mục tiêu cũng như câu hỏi nghiên cứu, cho đến lập khung lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu ước lượng đã được làm rõ để chỉ ra các biến của mô hình. Từ đó, PGS. TS Vũ Hoàng Nam đã đưa ra kết quả nghiên cứu cùng những nhìn nhận khách quan trong việc thúc đẩy nguồn lực nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Ngoại thương, tạo tiền đề và động lực cho các giảng viên trẻ nhằm thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo.

Phần cuối của buổi tọa đàm chính là những chia sẻ của PGS, TS Lê Thị Thu Hà về “Đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu”. Nghiên cứu sáng tạo có thể xuất phát từ những vấn đề cũ nhưng với giải pháp mới hay những vấn đề mới và ta tìm phương pháp để tiếp cận nó. Nghiên cứu sáng tạo cũng có thể từ những đối tượng mới, bối cảnh mới, giải pháp mới hay những dữ liệu mới nhưng ta luôn phải đặt ra những câu hỏi để trả lời nhằm kích thích tư duy. PGS, TS Lê Thị Thu Hà đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để việc học tập, nghiên cứu diễn ra tự nhiên như một lẽ sống và trước khi ta quyết định từ bất kỳ điều gì, hãy nhớ lại lý do mà ta đã bắt đầu.

Kết thúc buổi tọa đàm, Ban tổ chức đã thiết kế hoạt động có tên“Lắng nghe theo lăng kính”. Với mỗi câu hỏi được đưa ra, các nhóm phải thảo luận để đưa ra đóng góp, đề xuất và cùng với nhau tìm ra câu trả lời. Kết quả của hoạt động "Lăng kính thấu hiểu" đã mang đến nhiều góc nhìn thú vị và sâu sắc từ phía các học viên và giảng viên đồng hành. Mỗi câu hỏi không chỉ là cơ hội để thảo luận, mà còn là một quá trình giúp các học viên, giảng viên đồng hành tự đánh giá lại chính mình trong hành trình nghiên cứu. Những ý kiến đóng góp từ các nhóm không chỉ dừng lại ở việc trả lời câu hỏi mà còn mở ra nhiều hướng tiếp cận mới mẻ cho các vấn đề trong nghiên cứu sáng tạo.