Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo "Lấy ý kiến xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao bậc đại học ngành Kinh doanh quốc tế chuyên ngành kinh doanh số"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 09/11/2021, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) đã tổ chức Hội thảo "Lấy ý kiến xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao bậc đại học ngành Kinh doanh quốc tế chuyên ngành kinh doanh số".

 Tham dự hội thảo, về phía các chuyên gia có GS, TS Hồ Tú Bảo – Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học Dữ liệu, Viện Khoa học tiên tiến Nhật Bản, GS, TS Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Khoa QTKD, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng; Ông Ishiguro Yohei – Cố vấn cấp cao hình thành dự án, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp trong Cộng đồng Keieijuku Việt Nam. Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường, PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó hiệu trưởng, PGS, TS Vũ Thị Hiền - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, PGS, TS Nguyễn Thị Hiền – Viện trưởng Viện VJCC, ông Karasawa Masayuki – Cố vấn trưởng Dự án VJCC, cùng các thầy cô đại diện các đơn vị trong Nhà trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nêu ra sự cần thiết của chương trình Kinh doanh số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là sự cần thiết của các mô hình kinh doanh số trong đại dịch Covid-19, từ đó khẳng định nhu cầu lớn của thị trường về nguồn nhân lực kinh doanh số. Chương trình cũng được thừa hưởng những thành tựu, kinh nghiệm trong quá trình triển khai đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế. Hơn nữa, chương trình Kinh doanh số của Viện VJCC có sự đồng hành của các trường đối tác cùng các chuyên gia Nhật Bản, và đặc biệt có lợi thế khi có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong gần 20 năm triển khai thực hiện Dự án VJCC do JICA tài trợ. Qua đây, Nhà trường kỳ vọng chương trình đào tạo Kinh doanh số của Viện VJCC sẽ tiếp tục là một chương trình nổi bật, được xã hội quan tâm và đón nhận.

Tiếp đó, PGS, TS Nguyễn Thị Hiền đã trình bày tham luận tổng quan về những nội dung chính trong chương trình Kinh doanh số bao gồm: mục tiêu, chuẩn đầu ra và các học phần trong chương trình. Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh những giá trị khác biệt của chương trình Kinh doanh số, đó là sự tham gia và gắn kết chặt chẽ của ba bên nhà trường – doanh nghiệp – người học, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong cộng đồng Keieijuku. Từ đó, chương trình học không chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành đa chiều mà còn những kinh nghiệm thực tế khi triển khai dự án của các doanh nghiệp đồng hành.

GS, TS Hồ Tú Bảo nối tiếp tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số, Kinh tế số và Kinh doanh số”. Trong phiên tham luận, Thầy Bảo đã trình bày và giải thích những khái niệm cơ bản liên quan đến chuyển đổi số trên các góc nhìn kỹ thuật và góc nhìn của những nhà kinh doanh. Cùng với đó, thầy còn chỉ ra những bài toán kinh doanh trong thời kỳ mới phải gắn liền với sự chuyển đổi số. Cuối cùng, dưới góc nhìn của nhà giáo dục và bằng những kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chương trình Kinh doanh số trong 2 năm qua tại Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, thầy đã gửi đến hội thảo những lời khuyên thiết thực trong việc xây dựng chương trình Kinh doanh số.

Tiếp theo là bài tham luận của GS, TS Nguyễn Trường Sơn với chủ đề “Kinh nghiệm triển khai chương trình Cử nhân Kinh doanh số tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng”. Thầy Sơn đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng chương trình Kinh doanh số tại Khoa QTKD – Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng và chỉ ra những cách tiếp cận khác nhau của chương trình Kinh doanh số. Từ những kinh nghiệm trên, thầy cũng đã chia sẻ những khó khăn cũng như thuận lợi trong quá trình xây dựng chương trình.

Về phía doanh nghiệp, TS. Nguyễn Tuấn Đức - Giám đốc điều hành Công ty Aime Next, VNEXT Holdings, Thành viên của CLB Keieijuku đã có bài chia sẻ với chủ đề “Những yêu cầu đối với nguồn nhân lực kinh doanh số trong môi trường số”. Bài trình bày được thực hiện bởi một “virtual human- con người ảo” rất ấn tượng và tạo nhiều hứng khởi cho người tham dự.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia đại diện của sinh viên chương trình JIB với bài trình bày về chủ đề “Mysterace” dưới góc nhìn của người học.

Sau đó, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về các ý kiến xung quanh việc xây dựng chương trình, các mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình.

PGS, TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng QLĐT phát biểu ý kiến

ThS. Nguyễn Huyền Minh - Trưởng phòng TT&QHĐN phát biểu ý kiến

Phát biểu kết luận, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã gửi lời cảm ơn tới các các chuyên gia, cố vấn, doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình mới của Viện VJCC. Trong thời gian tới, Nhà trường và Viện sẽ tiếp thu các ý kiến được ghi nhận tại hội thảo để hoàn thiện chương trình trước khi đưa vào triển khai tuyển sinh.