Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam trong bối cảnh mới”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 23/11/2021, Trường ĐH Ngoại thương cùng sự hỗ trợ từ Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia thường niên về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam.

Đây là hội thảo quốc gia được tổ chức thường niên nhằm tạo không gian kết nối, giao lưu và chia sẻ giữa các chuyên gia, học giả, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, hội thảo quốc gia năm 2021 (CLSCM 2021) có chủ đề về “Phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Tham dự Hội thảo có Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương; Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải; Bà Nguyễn Thị Phương Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải; TS. Mai Xuân Thiệu - Chủ tich Hiệp hội VALOMA; PGS,TS Nguyễn Thanh Chương - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội VALOMA; Ông Lê Quang Trung - Phó chủ tich Hiệp hội VLA; Ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký của Hiệp hội VECOM; Ông Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp Hội Khởi nghiệp quốc gia; Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội VASEP, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên nhiều trường đại học, học viện và đại diện một số doanh nghiệp. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT) cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết trong những năm gần đây ngành dịch vụ logistics đã phát triển mạnh mẽ tại nước ta, gắn chặt quá trình đổi mới, mở cửa, lưu thông hàng hóa trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, so với thế giới, ngành logistics Việt Nam vẫn còn là một ngành mới và khá non trẻ. Do vậy, để tạo đà phát triển bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới cho ngành này, rất cần sự tham gia phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, tiến tới xây dựng thương hiệu và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới.

Thầy cho biết nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh hiện nay, trường ĐH Ngoại thương đã triển khai đào tạo chương trình Chất lượng cao Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế. Cùng với đó, năm 2018, trường ĐH Ngoại thương cũng đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ công thương về những đóng góp cho sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.

Với mục tiêu tạo không gian kết nối sự tham gia và chia sẻ của các chuyên gia, học giả, nhà quản lý, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, gắn kết đào tạo với thực tiễn, Trường ĐH Ngoại thương với sự hỗ trợ của Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia thường niên về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam.

Với mục đích phân tích, đánh giá, đưa ra các khuyến nghị về chính sách và giải pháp, cũng như dự báo xu hướng phát triển các hoạt động Logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam, thầy đề nghị các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên tham dự Hội thảo cùng nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất các ý kiến về các vấn đề có tính gợi mở, tham khảo: Phát triển bền vững hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng vượt qua thách thức; Vai trò logistics trong kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế; Hoàn thiện và tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng lực thích ứng của nền kinh tế; Phát triển cơ sở hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ nhằm phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thanh Chương – Phó Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) khẳng định trong bối cảnh thương mại và kinh doanh quốc tế hiện đại thay đổi rất nhanh chóng cùng với sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc trao đổi kiến thức chuyên môn, thực tiễn ngành logistics thông qua các hội thảo được tổ chức định kỳ hàng năm là rất cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT, Bộ GTVT trình bày về “Thực trạng và định hướng phát triển hệ thống giao thông vận tải Việt Nam trong bối cảnh mới” nhằm chia sẻ định hướng phát triển hệ thống giao thông vận tải đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050. Đồng thời, tham luận cũng đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động logistics với nền tảng là cải thiện toàn diện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, qua đó, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể xác định được kế hoạch định hướng phát triển phù hợp với bối cảnh mới.

Sau phiên khai mạc và phiên họp toàn thể, Hội thảo được tiếp nối bởi 6 phiên thảo luận song song với tổng cộng 28 bài trình bày của các diễn giả đến từ nhiều trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam. Các phiên thảo luận song song được điều hành và dẫn dắt bởi 6 chuyên gia đến từ trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Bách khoa và Học viện tài chính.

Sau gần 2 giờ làm việc tại các phiên thảo luận song song, Ban Tổ chức đã bình chọn và quyết định trao giả cho 6 bài viết xuất sắc nhất Hội thảo. Bao gồm:
● Phiên 1: “Vietnam cold chain market: Review and Proposal for improvement” của nhóm tác giả Vương Nguyên Anh và TS Nguyễn Minh Phúc;
● Phiên 2: “The relationship between between logistics performance and economic growth: an empirical study on Southeast Asian Countries” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hồng Thảo, Lê Mỹ Hương, Ngô Nguyễn Bảo Ngọc;
● Phiên 3: “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương tham gia vào chuỗi cung ứng xanh” của nhóm tác giả TS Nguyễn Hán Khanh, Hồ Phạm Thị Kim Hương, Trương Anh Thư;
● Phiên 4: “Đề xuất xây dựng ICD Đông Anh nhằm khai thác tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng” từ nhóm tác giả TS. Nguyễn Thị Yến, TS. Nguyễn Thị Việt Hoa, Hoàng Huyền Trang, Lê Thu Hà, Đào Nguyên Minh Khuê, Trịnh Thị Quỳnh Trang;
● Phiên 5: “Áp dụng thuật toán Clark-Wright nhằm tối ưu tuyến đường vận tải của doanh nghiệp” của nhóm tác giả PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương, Ma Việt Hà, Nguyễn Mậu Trung Hiếu, Trần Xuân Huy, Vũ Đức Hùng, Nguyễn Trà Linh;
● Phiên 6: “Thúc đẩy chuyển đổi số ở doanh nghiệp giao nhận vận tải trên địa bàn Hà Nội” của nhóm tác giả ThS. Đoàn Ngọc Ninh, Nguyễn Thị Quyên.

PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện KT&KDQT, Phó chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đã chính thức công bố đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam năm 2022 (CLSCM 2022) là Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS, TS. Bùi Thị Lý – Viện trưởng Viện KT&KDQT khẳng định Hội thảo CLSCM 2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp và kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu trong việc tạo ra không gian uy tín, kết nối sự tham gia, chia sẻ của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, chuyên gia, học giả và doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp logistics trong bối cảnh mới, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.