Tham dự Diễn đàn về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học; PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp cùng các cán bộ, giảng viên. Diễn giả của chương trình gồm có ông Nguyễn Ngọc Tùng - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn BC; Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số; Ông Bùi Đình Như - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam. Diễn đàn còn có sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Đào Ngọc Tiến cho biết, tái cấu trúc là yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt khi đại dịch Covid 19 tạo ra nhiều thay đổi trong phương thức hoạt động, yêu cầu thích ứng tình hình mới và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số vào mô hình kinh doanh. Thầy mong muốn Diễn đàn này sẽ mang đến những nhìn nhận mới mẻ về các xu hướng cũng như những cách thức giúp doanh nghiệp có những kiến thức nhất định về việc tái cơ cấu doanh nghiệp.
Diễn đàn được tiếp nổi với phần chia sẻ về “Bối cảnh mới và sự cần thiết phải Tư duy lại chiến lược kinh doanh trong tình hình đại dịch Covid” của PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh. Phần trình bày đã nhấn mạnh và làm nổi bật các nội dung chính, bao gồm: Những vấn đề đang buộc doanh nghiệp cần tư duy lại chiến lược; Xã hội số hoá; Kinh tế số; Thị trường số hoá; Doanh nghiệp số theo tiêu chuẩn ISA-95; Chiến lược trong thời đại số. Qua đó, Thầy Minh một lần nữa khẳng định: “Đứng trước sự bất ổn định từ dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới thì doanh nghiệp cần tái cấu trúc để giải quyết các khó khăn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng để nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh”.
Tiếp đó, ông Nguyễn Ngọc Tùng – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn BC đã trình bày tham luận về “Tái cấu trúc tổ chức hoạt động và nhân sự”. Bài chia sẻ của ông Tùng gồm những nội dung chính: Bốn mảng tái cấu trúc để vượt qua khủng hoảng Covid 19; Tái cấu trúc mô hình kinh doanh; Quá trình tái cấu trúc hệ thống; Tái cấu trúc tổ chức và nhân sự.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện sáng tạo và Chuyển đổi số tham gia diễn đàn với tham luận “Mở rộng thích ứng số trong tình hình mới”. Phần chia sẻ của ông Tuấn đề cập đến 5 nội dung chính trong trong vấn đề mở rộng thích nghi trong tình hình mới: Những áp lực mà doanh nghiệp cần phải đối mặt và thích ứng; 5 giai đoạn chuyển đổi số; 5 phương diện doanh nghiệp cần tư duy lại để thích ứng; Các yếu tố chủ chốt giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh; Tư duy số về nhân sự và tổ chức.
Phần chia sẻ của bà Vũ Ngọc Thủy – Phó Chủ tịch Hội Cựu sinh viên ĐH Ngoại thương, ông Nguyễn Đức Chiến – Chủ tịch CLB Doanh nhân EMBA và ông Trần Hữu Đoàn – Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân Ngoại thương đã kết nối các đơn vị lại gần nhau, đặt nền móng cho sự liên kết và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Ngoại thương trong thời gian tới.
Phát biểu tổng kết Diễn đàn, PGS, TSKH Nguyễn Văn Minh khẳng đinh doanh nghiệp khi phải tham gia vào cuộc cách mạng mới cần phải thực hiện tái cấu trúc tương đối toàn diện doanh nghiệp, cần có những bước chuẩn bị sớm về tầm nhìn và tư duy. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có cách nhìn tổng thể nhưng triển khai phải cụ thể để quá trình tái cầu trúc không bị đứt gãy, tránh vị tụt hậu. Doanh nghiệp cần tìm được cách đi hợp lý trên con đường phù hợp với khả năng của mình trong xu thế chung của thời đại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần củng cố nền tảng văn hoá cũ, tạo ra các giá trị văn hoá mới trong quá trình vận hành liên tục của doanh nghiệp.