Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Tọa đàm "Hậu Covid 19 - Chính sách thuế nào cho doanh nghiệp?"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Nhằm đánh giá lại các chính sách thuế đã và đang được Chính phủ Việt Nam áp dụng trong bối cảnh Covid-19, đồng thời nghiên cứu các kinh nghiệm ban hành và thực thi chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp từ một số quốc gia trên thế giới để gợi ý chính sách đối với Việt Nam trong bối cảnh mới, vào ngày 14/12/2021, tọa đàm "Hậu Covid 19 - Chính sách thuế nào cho doanh nghiệp?" được Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trường ĐH Ngoại thương tổ chức theo hình thức trực tuyến.

 Tham dự tọa đàm về phía các diễn giả khách mời có ông Lê Minh Khiêm - Trưởng phòng, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, bà Trần Huyền Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra Cục Thuế thành phố Hải Phòng, ông Trần Quốc Đạt - Trưởng phòng Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam và bà Phạm Thị Hà - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu THD Việt Nam. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; TS Nguyễn Thị Việt Hoa - Phó Viện trưởng Viện KT&KDQT cùng các thầy cô giáo và sinh viên Nhà trường.

Tham dự tọa đàm về phía các diễn giả khách mời có ông Lê Minh Khiêm - Trưởng phòng, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, bà Trần Huyền Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra Cục Thuế thành phố Hải Phòng, ông Trần Quốc Đạt - Trưởng phòng Tư vấn Thuế, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam và bà Phạm Thị Hà - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty CP Xuất nhập khẩu THD Việt Nam. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng; TS Nguyễn Thị Việt Hoa - Phó Viện trưởng Viện KT&KDQT cùng các thầy cô giáo và sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Đào Ngọc Tiến khẳng định: “'Đây là một buổi tọa đàm có tính thời sự cao, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, doanh nghiệp là đối tượng phải gánh chịu nhiều khó khăn và hậu quả nặng nề. Trong các chính sách mà Chính phủ đang áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách thuế có những tác động và ưu điểm vượt trội”. Bên cạnh đó, thầy cũng bày tỏ mong muốn, với sự tham dự của các chuyên gia về thuế đến từ cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tư vấn, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và đại điện doanh nghiệp, buổi tọa đàm sẽ có những chia sẻ đa chiều, đa góc nhìn, từ đó gợi mở ra những giải pháp mang tính chất đột phá về thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Đứng trên góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Minh Khiêm khẳng định: "Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn và đang phải ưu tiên cho công tác chống dịch, việc miễn giảm thuế chính là phương án hỗ trợ thiết thực nhất cho doanh nghiệp”. Ông chia sẻ về những cố gắng của chính phủ Việt Nam, thông qua hàng loạt các nghiên cứu trên phạm vi rộng khắp cũng như tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, trong năm vừa qua trong việc điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng như chia sẻ những khó khăn trong việc tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho doanh nghiệp để kích cầu kinh tế.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Đội trưởng Đội Kiểm tra Cục Thuế Hải Phòng chia sẻ các kinh nghiệm và tiến triển trong lộ trình số hóa thủ tục hành chính khai thuế 4.0 tại TP. Hải Phòng, với mong muốn tiết kiệm thời gian và đảm bảo tính an toàn, minh bạch trong các thủ tục hành chính thuế để hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau Covid-19.

Với nhiều năm tư vấn thuế tại Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Ông Trần Quốc Đạt đã chỉ ra những rào cản đối với doanh nghiệp khi tiếp nhận các gói hỗ trợ về thuế mà chính phủ ban hành. Đa phần các hạn chế này đến từ việc chính sách còn nhiều điểm quy định bao quát, chưa được rõ ràng, kênh thông tin giao tiếp với doanh nghiệp còn chưa hiệu quả. Ông Đạt bày tỏ hy vọng rằng chính phủ sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp nhiều hơn, chính sách đưa ra phải giải quyết đúng trọng tâm vấn đề mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Bên cạnh việc chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp FDI hiện nay tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Trần Huyền Trang đưa ra cảnh báo về nguy cơ nợ thuế kéo dài và bị phạt cho nợ thuế. Bà Trang đề xuất xây dựng một cơ chế tổng thể để kết nối các doanh nghiệp FDI với dòng tiền ổn định và các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay sở vốn, cũng như tiếp cận các gói hỗ trợ để cùng nhau san sẻ khó khăn

Đứng trên góc độ doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bà Phạm Thị Hà trình bày về những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt trong đại dịch, bao gồm: Khó khăn về nguồn vốn, các chi phí về nhân công và nguyên vật liệu. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể tăng giá thành sản phẩm do sức cạnh tranh gay gắt trên thị trường, từ đó dẫn đến việc chậm thu hồi vốn. Bà Hà bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ về vốn, chính sách thuế phù hợp để doanh nghiệp có thể có nguồn vốn tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Bên cạnh đó, bà cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính thuế, giảm tải thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa để doanh nghiệp có thể giảm bớt các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Tọa đàm khép lại với phần giao lưu hỏi đáp đầy sôi nổi giữa các diễn giả và người tham dự.