Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo "Đổi mới chính sách của các Tạp chí khoa học: Kinh nghiệm và giải pháp"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Hướng tới kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển Tạp chí Quản lý và kinh tế quốc tế (QL&KTQT) trường ĐH Ngoại thương, tiền thân là Tạp chí Kinh tế đối ngoại (22/04/2002 - 22/04/2022), ngày 21/04/2022, Tạp chí QL&KTQT đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới chính sách của các Tạp chí khoa học: Kinh nghiệm và giải pháp".

 Tham dự hội thảo về phía khách mời có TS. Vũ Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS, TS Dương Nghĩa Bang - Phó Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cùng đại diện lãnh đạo của hơn 30 tạp chí khoa học, nhà xuất bản trên cả nước. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội đồng trường; GS, TS Hoàng Văn Châu - Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí QL&KTQT, PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng; PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Từ Thúy Anh - Tổng biên tập Tạp chí QL&KTQT cùng lãnh đạo một số đơn vị, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết trong thời gian qua, các Tạp chí khoa học Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ với những ấn phẩm đẹp, chất lượng các bài viết ngày càng nâng cao, rất nhiều tạp chí lựa chọn con đường định hướng Tạp chí quốc tế. Đứng trước những yêu cầu mới đặt ra nhằm hướng đến phát triển bền vững, các Tạp chí Việt Nam đã và đang có: Chiến lược phát triển của các Tạp chí khoa học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới; Đội ngũ nhân sự luôn vững vàng tư tưởng, lập trường, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về báo chí và lĩnh vực chuyên sâu; Đổi mới chất lượng hoạt động của Tạp chí trong bối cảnh hội nhập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Đa dạng hoá các hoạt động chuyên môn, truyền thông nhằm tham gia sâu rộng vào mạng lưới các Tạp chí khoa học trong khu vực và trên thế giới. Thầy cũng bày tỏ những trăn trở về việc tìm ra cách thức, giải pháp nhằm nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của các thành viên trong Hội đồng biên tập các Tạp chí khoa học cũng như việc hợp tác và chia sẻ nguồn lực giữa các Tạp chí khoa học trong cùng lĩnh vực và khu vực.

Điểm lại những thành tựu đã đạt được trong suốt 20 năm hình thành và phát triển của Tạp chí QL&KTQT, nhất là trong thời gian gần đây, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định cho đến nay Tạp chí QL&KTQT đã từng bước trở thành một Tạp chí khoa học có uy tín, tiệm cận dần với các chuẩn mực của khu vực và quốc tế. Thầy bày tỏ kỳ vọng hội thảo này sẽ là một diễn đàn mở để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, ban lãnh đạo các tạp chí chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những bài học quý báu, từ đó đề xuất những giải pháp đổi mới liên tục, đột phá, từng bước đưa Tạp chí hội nhập với cộng đồng Tạp chí khoa học quốc tế và hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Dương Nghĩa Bang đã giới thiệu những nét tổng quan nhất về tình hình phát triển của các Tạp chí khoa học tại Việt Nam hiện nay. Ông khẳng định Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án, dành nguồn lực đầu tư thích đáng cho sự phát triển của các Tạp chí khoa học, tuy nhiên cho đến nay, số lượng các Tạp chí khoa học của nước ta tham gia vào các danh mục uy tín của quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn, các bài nghiên cứu có chất lượng cao của các nhà khoa học trong nước phần nhiều vẫn lựa chọn đăng tại các Tạp chí quốc tế có uy tín. Do đó, cần phải có những giải pháp lâu dài để giải quyết những vướng mắc và khó khăn hiện tại mà các Tạp chí khoa học Việt Nam đang gặp phải.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, TS. Vũ Thanh Bình cho biết Bộ GD&ĐT dành sự quan tâm rất lớn đến việc nâng cao chất lượng của các Tạp chí khoa học thuộc các Bộ ban ngành, Viện nghiên cứu, Cơ sở giáo dục đại học. Ông nhấn mạnh, để nâng tầm các Tạp chí khoa học trong nước cần phải có quyết tâm cao, động lực lớn và sự phối hợp của nhiều bên. Ông cũng gợi mở một số đề xuất để các nhà khoa học, chuyên gia cùng thảo luận tại hội thảo như: Ưu tiên đầu tư thích đáng nguồn lực tài chính và con người để tạo động lực phát triển lâu dài cho các Tạp chí; Có cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học quốc tế tham gia hội đồng biên tập; Đổi mới cả hình thức, nội dung, quy trình biên tập các bài đăng trong Tạp chí phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ của các Tạp chí quốc tế; Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện website, phần mềm quản lý, quảng bá truyền thông... Ông cũng khẳng định cam kết của Bộ GD&ĐT trong việc tiếp tục hỗ trợ tối đa để các Tạp chí khoa học trong nước có thể nhanh chóng gia nhập các hệ thống chỉ mục quốc tế. Bộ cũng có dự định trong thời gian tới sẽ tiến tới thành lập Trung tâm trích dẫn, biên soạn Sổ tay kinh nghiệm gia nhập các hệ thống chỉ mục quốc tế để các Tạp chí khoa học trong nước có thể tham khảo, sử dụng.

PGS, TS Từ Thúy Anh - Tổng biên tập Tạp chí QL&KTQT, Trường ĐH Ngoại thương trình bày tham luận: "Tạp chí QL&KTQT: Đổi mới chính sách hướng tới gia nhập ACI"

GS, TS Lê Quốc Hội - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế quốc dân trình bày tham luận: "Quản lý công tác phản biện và xuất bản số đặc biệt của Tạp chí khoa học".

TS. Đoàn Thị Yến Oanh - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận: "Kinh nghiệm xuất bản quốc tế".

PGS, TS Đinh Văn Thuật - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ và xây dựng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội trình bày tham luận: "Một số quy định nhằm nâng cao chất lượng Tạp chí khoa học trong nước".

PGS, TS Từ Thúy Anh - Tổng biên tập Tạp chí QL&KTQT và PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học đồng chủ trì phần thảo luận.

Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu tham dự đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay, đề xuất những giải pháp thiết thực xoay quanh một số vấn đề quan trọng như: Vai trò của các cơ quan Nhà nước, cơ quan chủ quản trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ các Tạp chí khoa học; Nhận thức tự thân của các Tạp chí về nhu cầu cấp thiết cần phải đổi mới; Xác lập mô hình hoạt động của các Tạp chí; Đầu tư nguồn lực tài chính và con người; Thu hút nguồn bài có chất lượng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế để đăng trong các Tạp chí; Đổi mới các quy định, quy chế, quy trình nhận bài, phản biện, biên tập phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hội đồng biên tập; Chia sẻ và kết nối nguồn lực giữa các Tạp chí khoa học trong nước; Xây dựng các số đặc biệt; Liên kết xuất bản với các Nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế...

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn một lần nữa khẳng định ý nghĩa của hội thảo trong việc tạo ra một diễn đàn học thuật để các đại biểu tham dự có thể trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, hữu ích cho tất cả các bên liên quan. Thầy cũng gửi lời cảm ơn tới tất cả các đại biểu đã dành thời gian tham dự và có những tham luận, đóng góp ý kiến cho hội thảo để Tạp chí QL&KTQT của Nhà trường có cơ hội học hỏi và ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín, sớm gia nhập vào danh mục Trích dẫn ASEAN (ASEAN Citation Index - ACI) trong thời gian sớm nhất.

Các báo đưa tin: Báo ĐT Đảng cộng sản: https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-cac-tap-chi-khoa-hoc-608648.html
Báo GDTĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ban-giai-phap-phat-trien-cac-tap-chi-khoa-hoc-trong-cac-truong-dai-hoc-iuPYzFQ7g.html