Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

Hội thảo: "Luật sư tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế: Kinh nghiệm thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam"

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 02/06/2022, trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp cùng Dự án "Nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ" và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tại Hà Nội đồng tổ chức hội thảo: "Luật sư tư vấn cho Chính phủ về thương mại và đầu tư quốc tế: Kinh nghiệm thế giới và đề xuất mô hình cho Việt Nam".

 Tham dự hội thảo, về phía Văn phòng Chính phủ có PGS, TS Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật. Về phía Dự án "Nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ" có ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc dự án cùng các thành viên dự án. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng; PGS, TS Nguyễn Minh Hằng - Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự, Trưởng Bộ môn Pháp luật kinh doanh quốc tế - Khoa Luật, Tổng thư ký Trung tâm Hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam; TS. Hà Công Anh Bảo - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Luật.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho biết nhu cầu của Chính phủ cũng như cơ quan Nhà nước về việc được tư vấn, đại diện để giải quyết các vấn đề pháp lý về thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, vẫn chưa có một mô hình cụ thể tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các luật sư, chuyên gia về thương mại và đầu tư quốc tế. Do đó, hội thảo này được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, luật sư, giảng viên, đại diện các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành trao đổi, thảo luận tìm ra mô hình phù hợp. Từ đó, tăng cường sự tham gia của các luật sư, chuyên gia pháp lý vào tư vấn, đại diện giúp Chính phủ giải quyết tốt những vấn đề pháp lý về thương mại, đầu tư quốc tế.

Thầy nhấn mạnh tới việc phát huy vai trò của các trường đại học, các giáo sư tại trường đại học trong mô hình đề xuất. Các trường đại học sẽ giúp tăng cường đội ngũ chuyên gia pháp lý, tham gia vào hoạt động đào tạo bồi dưỡng, tạo môi trường cho các hoạt động kết nối và tạo trụ cột 3 bên Chính phủ - Trường đại học - Cộng đồng doanh nghiệp. Thầy khẳng định trường ĐH Ngoại thương có đủ điều kiện cần thiết để thực hiện những dự án, chương trình nâng cao năng lực cho các cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp về thương mại và đầu tư quốc tế. Nhà trường cũng sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực tham gia sâu hơn nữa vào hoạt động tư vấn cho các bên liên quan về lĩnh vực quan trọng này.

Cũng tại hội thảo, PGS, TS Đinh Dũng Sỹ cho hay điều cần hướng đến sau hội thảo là hình thành một đội ngũ luật sư giúp Chính phủ trong việc bảo vệ các lợi ích công khi Chính phủ thực hiện việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại đầu tư. Đặc biệt, khi Chính phủ là nguyên đơn hoặc bị đơn trong các vụ tranh chấp quốc tế.

Tại phiên bàn tròn thảo luận, PGS, TS Nguyễn Minh Hằng nhận định cần xây dựng được mô hình kết hợp 3 trụ cột, gồm các chuyên gia của Chính phủ, luật sư đến từ các công ty luật và các chuyên gia pháp lý, giáo sư luật đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu về luật. Từ đó, tạo chân kiềng, trụ cột vững chắc, cùng phối hợp các nguồn lực. Cô khẳng định các trường đại học hiện đã sẵn sàng trở thành một "trụ cột" cung cấp các tư vấn, dịch vụ phục vụ cộng đồng, trong đó có tư vấn cho Chính phủ. Đó là trách nhiệm của các trường đại học cũng như các trường đều có chiến lược về vấn đề này.