Sidebar

Magazine menu

17
Wed, Apr

Hội thảo “Nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các cam kết WTO và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 27/08/2022, trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các cam kết WTO và hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Chương trình WTO Chairs – Giai đoạn 3 (2022 - 2026) mà trường ĐH Ngoại thương là cơ sở giáo dục duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có Ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh; Ông Lê Quang Đông - Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh; Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Cái Lân, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, các trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình FTU - WTO Chairs; PGS, TS. Trịnh Thị Thu Hương – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Giám đốc Chương trình FTU - WTO Chairs; lãnh đạo một số đơn vị, cùng cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên.

Phát biểu khai mạc, PGS, TS Phạm Thu Hương nhấn mạnh trong chiến lược phát triển trường ĐH Ngoại thương giai đoạn mới, Nhà trường theo đuổi sứ mệnh “Phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức”, theo đó đặc biệt chú trọng khả năng kết nối các bên liên quan nhằm gắn kết lý thuyết với thực tiễn, thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực, thúc đẩy hợp tác và truyền cảm hứng hành động, hình thành hệ sinh thái giáo dục bền vững. Tinh thần đó đã được truyền bá rộng rãi trong mọi hoạt động của Nhà trường, kết nối các bên liên quan vào hoạt động đổi mới sáng tạo và tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng.

Thông qua hội thảo này, chương trình FTU - WTO Chairs nói riêng và Nhà trường nói chung mong muốn tạo lập diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, học giả và các nhà nghiên cứu trao đổi ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao năng lực thích ứng của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như phát huy nội lực, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, vận dụng chủ động và linh hoạt các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA thế hệ mới. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế, không chỉ trong khuôn khổ các thể chế đa phương như WTO mà cả các thể chế song phương và khu vực khác, đặc biệt trong số đó là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Cô hy vọng thông qua diễn đàn mở này, các doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách có cơ hội trao đổi để cùng gợi mở, khai phá các cơ hội hội nhập, tận dụng các lợi ích dài hạn và hướng tới phát triển bền vững.

Trong tham luận dẫn đề, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương tập trung phân tích vai trò của cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong việc gắn kết chủ thể ngành và cơ quan quản l‎ý nhà nước dựa trên việc gắn kết nền tảng kiến thức chung của nguồn nhân lực, vốn xã hội, sự lan tỏa tri thức mới, nền tảng đối thoại và phản biện chính sách, và đề xuất một số kiến nghị cụ thể để tăng cường vai trò gắn kết nói trên.

Tham luận “Thực tế thực thi và vận dụng các hiệp định thương mại tự do: Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát” của đại diện Tiểu ban Nghiên cứu, chương trình FTU - WTO Chairs đã công bố kết quả sơ bộ khảo sát doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về thực tế thực thi và vận dụng các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới, tập trung vào đánh giá hiểu biết của doanh nghiệp về các FTA, đánh giá của doanh nghiệp về việc thực hiện các FTA, thực tế hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp với các nước tham gia FTA, ảnh hưởng của FTA với doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, tương lai kinh doanh và kỳ vọng của doanh nghiệp và các nhân tố ảnh hưởng đến tận dụng ưu đãi từ các FTA.

Tiếp nối chương trình, ông Nguyễn Việt Hùng đã trình bày tham luận về “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Quảng Ninh trong bối cảnh thực hiện các cam kết WTO và FTA thế hệ mới”, theo đó, đưa ra một số tác động tích cực và tiêu cực của việc thực thi các cam kết WTO và FTA thế hệ mới đối với doanh nghiệp tại Quảng Ninh, cũng như phân tích các biện pháp đã được tỉnh triển khai và giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại địa phương.

Tham luận “Nhu cầu đào tạo nâng cao nhận thức và chuyên môn về vấn đề thương mại quốc tế và đầu tư: Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát” của Tiểu ban Phát triển chương trình, chương trình FTU - WTO Chairs đã đưa ra một số đề xuất về thiết kế khóa học ngắn hạn cung cấp các kiến thức về thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan nhằm khai thác tốt nhất các cam kết của Việt Nam.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Bá Sơn đã trình bày tham luận “Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp logistics và XNK hàng hóa Quảng Ninh và một số những chính sách hỗ trợ của tỉnh”. Nghiên cứu đã đề cập tới các rủi ro mà doanh nghiệp tại Quảng Ninh phải đối mặt trong bối cảnh dịch Covid-19, phân tích hiệu quả của những chính sách hỗ trợ từ tỉnh với doanh nghiệp và đề xuất một số chính sách hỗ trợ dành cho hoạt động logistics hiện nay của Quảng Ninh.

Khép lại hội thảo, ông Lê Quang Đông đã trình bày tham luận “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh trong thực thi các cam kết FTA”. Ông đã khái quát về tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh trong thực thi các cam kết FTA và phân tích một số khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó đề cập giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.

Các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận xung quanh nội dung các tham luận được trình bày tại hội thảo.

Ban tổ chức Hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả.