Ngày 29/08/2022, Khoa Luật, trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Trung tâm Hòa giải quốc tế Việt Nam (VICMC) tổ chức Hội thảo “Hoà giải thương mại tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng tương lai” và Lễ trao giải Cuộc thi "Hoà giải thương mại Việt Nam" (V-Med) năm 2022.
Tham dự chương trình, về phía khách mời có TS. Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; ThS. Nguyễn Thị Minh Huệ – Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp; LS. Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch VICMC, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam; LS. Vũ Thị Quế - Phó Chủ tịch VICMC; TS, LS Nguyễn Bá Sơn – Phó Chủ tịch VICMC, nguyên Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam; ThS, LS Lương Văn Lý – Ủy viên điều hành VICMC; LS. Nguyễn Kim Dung – Giám đốc pháp chế ĐH Anh quốc Việt Nam, Hoà giải viên Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC), đại diện của Việt Nam tại Trung tâm Hoà giải Australia; ThS, LS Nguyễn Phó Dũng – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Opic, Giám đốc Trung tâm Hoà giải OPIC; Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Giám đốc Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Ngân hàng Thế giới; LS, Nhà báo Trần Văn Chương – Đại diện Trung tâm Hỗ trợ pháp luật, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; LS. Bùi Đình Ứng – Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng; Bà Nguyễn Thị Tuyết Trang – Giám đốc chi nhánh miền Bắc Công ty cổ phần tập đoàn KIDO; LS. Nguyễn Tuấn Phát – Luật sư cao cấp Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers, Hòa giải viên VICMC; LS. Trần Thị Hương – Sáng lập và điều hành Công ty Tư vấn đầu tư Rachel, Hòa giải viên VICMC.
Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS, TS Nguyễn Minh Hằng – Trưởng Phòng Tổ chức - Nhân sự, Tổng Thư ký VICMC; TS. Hà Công Anh Bảo – Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật; lãnh đạo một số đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Lê Thị Thu Thuỷ biểu dương những nỗ lực của Khoa Luật trong việc tạo nhiều sân chơi bổ ích cho sinh viên có cơ hội được nghiên cứu khoa học, thực hành nghề nghiệp tương lai như cuộc thi V-Med. Cô nhấn mạnh chủ đề của hội thảo “Hòa giải thương mại tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng tương lai” trong khuôn khổ cuộc thi rất có ý nghĩa và có tính thời sự cao. Cô bày tỏ kỳ vọng hội thảo sẽ tạo ra một diễn đàn mở để các chuyên gia, nhà khoa học, hoà giải viên, luật sư, giảng viên và sinh viên cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan tới hoà giải thương mại tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp phát biểu.
LS. Nguyễn Hưng Quang – Chủ tịch VICMC, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam phát biểu.
Tại hội thảo, TS. Hà Công Anh Bảo đã trình bày "Báo cáo kết quả điều tra về sử dụng Hòa giải thương mại".
Tiếp đó, hội thảo bước vào 2 phiên tọa đàm với sự tham gia của 10 diễn giả. Phiên 1 có chủ đề “Những vấn đề chung về phát triển hòa giải thương mại tại Việt Nam” và phiên 2 có chủ đề “Phát triển hòa giải thương mại trong một số lĩnh vực tranh chấp cụ thể”. Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan trao đổi về thực trạng và giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về hoà giải thương mại tại Việt Nam hiện nay; thực trạng hoạt động hòa giải thương mại, hoạt động của các trung tâm hoà giải thương mại; thực trạng và xu hướng hòa giải thương mại trực tuyến; đội ngũ hòa giải viên hiện nay và giải pháp phát triển, nhu cầu, xu hướng, tiềm năng sử dụng dịch vụ hoà giải thương mại tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới nói chung và trong một/một số lĩnh vực cụ thể nói riêng; cơ hội, thách thức, đề xuất việc Việt Nam tham gia Công ước Singapore về hoà giải,…
Các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến tại 2 phiên tọa đàm.
Trong khuôn khổ hội thảo, lễ trao giải Cuộc thi "Hoà giải thương mại Việt Nam" năm 2022 cũng đã diễn ra. V-Med là cuộc thi Hòa giải thương mại đầu tiên bằng tiếng Việt cho sinh viên với mục tiêu phổ biến kiến thức và kỹ năng về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thông qua hòa giải. Năm 2022, V-Med lần đầu được tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm Hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam và trường ĐH Ngoại thương. Đặc biệt, cuộc thi vinh dự có sự hiện diện của ông Nguyễn Biên Thuỳ - Thẩm phán của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tham dự với tư cách là Giám khảo của cuộc thi.
Phát biểu tại lễ trao giải cuộc thi, PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhiệt liệt chúc mừng Khoa Luật đã tổ chức thành công cuộc thi V-Med lần đầu tiên, đồng thời cũng gửi lời chúc mừng tới các em sinh viên đạt giải. Thầy cho rằng hiện nay, định hướng đào tạo, nghiên cứu về hòa giải thương mại là bước đi đúng đắn, khi hòa giải thương mại là phương thức được các bên trong xã hội, bao gồm cả doanh nghiệp, giới nghiên cứu rất quan tâm. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi các trung tâm hòa giải đã được lập nên rất nhiều. Do đó, việc các trường đại học triển khai nghiên cứu, đào tạo về lĩnh vực này nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là xu hướng đón đầu hợp lý. Thầy khẳng định qua việc đồng tổ chức cuộc thi V-Med, trường ĐH Ngoại thương mong muốn có thể tạo nên một sân chơi chung cho các bạn sinh viên trên toàn quốc, giúp các bạn hiểu rõ về hòa giải thương mại, triển khai các tình huống được xây dựng trên thực tế để nhìn nhận rõ những đặc điểm của hòa giải thương mại. Thông qua cuộc thi, thí sinh được trau dồi, bổ sung kiến thức và kỹ năng giải quyết tranh chấp qua phương thức hòa giải. Mỗi vòng thi với một đề thi riêng biệt sẽ đưa các đội thi đến nhiều lĩnh vực tranh chấp khác nhau trong thực tiễn, giúp thí sinh được cọ sát và đánh giá đúng năng lực của bản thân, từ đó mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp sau này.
Các đại biểu khách mời phát biểu tại Lễ bế mạc cuộc thi V-Med 2022.
Sau thời gian mở đơn đăng ký, 52 đội đến từ 17 trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo trên cả nước, gồm 186 thí sinh được lựa chọn tranh tài tại chặng 1: Thi lý thuyết về hòa giải. Sau vòng này, 12 đội thi xuất sắc nhất bước vào thi đấu trực tiếp tại chặng 2: Thực hành phiên hòa giải giả định, từ các khóa đào tạo lý thuyết đến các khóa tập huấn thực hành.
Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 6 huy chương đồng cho hạng mục "Hòa giải viên"; 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 6 huy chương đồng cho hạng mục "Bên tham gia hòa giải" và 4 giải Đặc biệt gồm: Đội được yêu thích nhất, Hòa giải viên xuất sắc nhất, Bên tham gia hòa giải xuất sắc nhất và Đội thi có triển vọng nhất.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn và LS. Nguyễn Hưng Quang trao Giấy chứng nhận cho các Nhà tài trợ, nhà đồng hành với cuộc thi.
Cuộc thi V-Med năm đầu tiên đã khép lại nhưng sẽ mở ra cơ hội kết nối và lan tỏa thông qua việc thành lập mạng lưới "Hoà giải viên trẻ Việt Nam" nhằm tạo một tạo sân chơi giao lưu, học hỏi về hòa giải thương mại nói riêng và giải quyết tranh chấp bằng phương thức lựa chọn nói chung cho sinh viên có đam mê về hòa giải, từ đó lan tỏa các kiến thức, ưu điểm về hòa giải đến cộng đồng.