Sidebar

Magazine menu

20
Sat, Apr

TỌA ĐÀM KHOA HỌC "NHỮNG YẾU TỐ THÚC ĐẨY ĐỘNG LỰC LÀM GIÀU CỦA NGƯỜI DÂN" CỦA KHOA KINH TẾ QUỐC TẾ

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 19/09/2022, Khoa Kinh tế quốc tế đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “What motivates people to become wealthier?” (Những yếu tố thúc đẩy động lực làm giàu của người dân).

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có GS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam; TS Rainer Zitelmann - Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực của cải trong xã hội và người giàu, học giả và tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng thế giới.

Về phía trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng; PGS, TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế; PGS, TS Từ Thúy Anh - Tổng biên tập Tạp chí Quản lý và Kinh tế Quốc tế; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học; lãnh đạo một số đơn vị trong trường cùng hơn 200 giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (NCS) ở cả 3 cơ sở đào tạo.

Trước khi bắt đầu tọa đàm, PGS, TS Đào Ngọc Tiến và Ban lãnh đạo Khoa Kinh tế quốc tế đã có buổi tiếp xã giao TS Rainer Zitelmann và GS Andreas Stoffers. Tại buổi tiếp, hai bên đã thảo luận về các chủ đề nghiên cứu mới và các cơ hội hợp tác trong tương lai.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Đào Ngọc Tiến đánh giá cao tính khoa học, thực tiễn và sự hấp dẫn của chủ đề tọa đàm. PGS, TS Đào Ngọc Tiến tin tưởng rằng các thảo luận thực chất, có giá trị khoa học sẽ gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới về lĩnh vực của cải trong xã hội và người giàu trong tương lai.

Tọa đàm được đồng chủ trì bởi GS Andreas Stoffers và PGS, TS Nguyễn Thị Tường Anh.

Mở đầu tọa đàm, TS Zitelmann đã trình bày nghiên cứu với chủ đề “Thái độ phổ biến của người dân đối với của cải và người giàu tại Việt Nam cũng 10 nước khác tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ”. Bài thuyết trình của TS Zitelmann đem đến cái nhìn đa chiều, so sánh được các thái độ tích cực, tiêu cực, yêu, ghét đối với của cải và người giàu tại khắp các nơi trên thế giới. Theo khảo sát của tác giả, Việt Nam hiện tại là một trong những nước có thái độ tương đối tích cực đối với của cải và sự giàu có trong xã hội.

Phần trình bày thứ hai của ThS Phạm Phương Thảo cung cấp cho những người tham dự một câu chuyện kết nối, đi từ thái độ đối với việc làm giàu đến hành vi làm giàu. ThS Phạm Phương Thảo cùng nhóm nghiên cứu đã đi tìm hiểu của thái độ đối với người giàu và quan điểm về giàu có tác động đến hành vi làm giàu của người Việt Nam như thế nào. Bài thuyết trình đưa thêm góc nhìn mới về tâm lý người Việt, góp phần đem lại hàm ý chính sách thú vị giúp Việt Nam trở thành một quốc gia bình đẳng và thịnh vượng.

Phần trình bày của hai diễn giả đã nhận được sự quan tâm và câu hỏi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên và người quan tâm.