Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội thảo khoa học quốc tế thường niên “Đổi mới sáng tạo và hội nhập vì phát triển” (Innovation and Integration for Development - VIID) lần thứ 2 năm 2023

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc tế thường niên do Trường ĐH Ngoại thương khởi xướng lần thứ nhất năm 2022, từ ngày 07/12 - 08/12/2023, Hội thảo “Đổi mới sáng tạo và hội nhập vì phát triển” (Innovation and Integration for Development - VIID) lần thứ 2 năm 2023 đã diễn ra tại Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge, ĐH Woosong, Hàn Quốc.

Hội thảo được tổ chức bởi Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Woosong (Hàn Quốc) với sự đồng hành của Học viện Nghiên cứu về Phân phối và Quản lý của Hàn Quốc (Korea Research Academy of Distribution and Management) và ĐH Tổng hợp Bang California, Fullerton (CSUF). Hội thảo được bảo trợ bởi Tạp chí Emerging Markets for Finance and Trade (EMFT) (tạp chí thuộc danh mục SSCI) và Tạp chí Journal of International Economics and Management (JIEM) của trường ĐH Ngoại thương, cũng như nhận được sự quan tâm của Trường ĐH Quốc tế của Tây Ban Nha.


Tham dự Hội thảo, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam – Trưởng phòng Quản lý Khoa học; ThS Lê Thị Ngọc Lan - Phó trưởng phòng; Trưởng/ Phó một số đơn vị cùng các giảng viên, cán bộ Nhà trường.


Trước thềm Hội thảo, ngày 07/12/2023, tọa đàm khoa học với chủ đề “Sự phá vỡ cấu trúc trong bảng hiệu ứng tương tác và phản ứng của thị trường chứng khoán đối với COVID-19 (Structural Breaks in Interactive Effects Panels and the Stock Market Reaction to COVID-19)” do GS Paresh Kumar Narayan - Tổng biên tập Tạp chí EMFT trình bày đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả và nhà nghiên cứu. Bài thuyết trình về đã giới thiệu một phương pháp mới có thể vận dụng vào dự đoán những thay đổi bất thường về kinh tế - xã hội dựa trên các quan sát có tần suất cao.
Phiên chính của Hội thảo có chủ đề “Các hành động đổi mới nhằm vực dậy nền kinh tế khu vực và chuyển đổi kinh doanh (Innovative actions for reigniting regional economy and business transformation)”. Sau giai đoạn đầy khó khăn ứng phó với đại dịch Covid 19, nền kinh tế thế giới và khu vực cũng như các doanh nghiệp lại đứng trước rất nhiều những rủi ro và thách thức như sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, các rủi ro địa chính trị, những hạn chế về thương mại, sự thu hẹp thị trường và nhu cầu, các dịch bệnh mới, biến đổi khí hậu. Do đó, các hoạt động đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế khu vực và chuyển đổi kinh doanh trong kỷ nguyên số. Đây cũng là chìa khoá cho các quốc gia và các tổ chức có thể phát triển bền vững. Với chủ đề thiết thực và mang tính thời sự, sau quá trình bình duyệt từ hơn 70 bài viết, Hội thảo đã lựa chọn được 47 bài viết có chất lượng của các nhà khoa học, các chuyên gia, các học giả đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có bài viết của các giảng viên trường ĐH Ngoại thương tại Trụ sở chính Hà Nội và Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh.


GS Joshua K. Park - Hiệu trưởng trường Kinh doanh quốc tế SolBridge đã phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhấn mạnh: trong chiến lược phát triển của Nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Trường ĐH Ngoại thương sẽ trở thành đại học đổi mới sáng tạo nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu Châu Á. Đổi mới sáng tạo được thể hiện trong tất cả các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng của Nhà trường. Sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế thường niên VIID nằm trong chiến lược phát triển đó.


Hội thảo cũng đã nghe phát biểu của GS Deog-Seon Oh - Hiệu trưởng ĐH Woosong, GS Kichang Yoon - Giám đốc Học viện nghiên cứu về phân phối và quản lý và GS Salvador Carmona - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế ở Tây Ban Nha.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã lắng nghe 2 bài tham luận đề dẫn của GS Pares Kumar Narayan – Tổng biên tập Tạp chí EMFT và TS Sridhar Sundaram – Trưởng khoa kinh doanh Trường CSUF. Nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu về chuyên môn được các đại biểu trao đổi trong các phiên toàn thể và 10 phiên song song của hội thảo để trao đổi các các kết quả nghiên cứu, các giải pháp và đề xuất cho các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức, doanh nghiệp. Sau nhiều đánh giá gắt gao, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 07 bài viết xuất sắc nhất để trao giải Outstanding Papers Awards. Trường ĐH Ngoại thương vinh dự khi có 03 bài viết được trao giải thưởng này.


Với vai trò là đơn vị đưa ra sáng kiến tổ chức hội thảo và đơn vị đồng tổ chức, Đoàn công tác của Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ khâu phối hợp tổ chức, chủ toạ các phiên thảo luận, trình bày tham luận và trao đổi học thuật. Trong khuôn khổ hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn đã có nhiều buổi làm việc với lãnh đạo các Trường, Viện trao đổi các cơ hội và kế hoạch hợp tác. Có thể nói, Trường ĐH Ngoại thương và các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của Nhà trường tham gia Hội thảo VIID lần này đã để lại ấn tượng tốt đẹp với các đối tác và đại biểu tham dự, qua đó góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Nhà trường, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quý báu trong thời gian tới.