Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo sinh viên Quốc tế năm 2024 - Lần thứ 2: Tái định hình biên giới kinh tế: Chủ nghĩa khu vực và con đường đúng đắn để giải quyết những thách thức toàn cầu

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

“Tái định hình biên giới kinh tế: Chủ nghĩa khu vực và con đường đúng đắn để giải quyết những thách thức toàn cầu”

 

Ngày 30/5/2024, Trường ĐH Ngoại thương đã phối hợp với Trường ĐH Laval (Canada) tổ chức Hội thảo sinh viên Quốc tế năm 2024 với chủ đề “Tái định hình biên giới kinh tế: Chủ nghĩa khu vực và con đường đúng đắn để giải quyết những thách thức toàn cầu”, với sự tham gia triển khai bởi Khoa Luật của Nhà trường và Tổ chức Giáo dục thực hành pháp luật CLE - FTU.

Tham dự phiên khai mạc, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS Hà Công Anh Bảo - Trưởng Khoa Luật; Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường, cùng các cán bộ, giảng viên Nhà trường.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Đào Ngọc Tiến cho biết, “Các bài viết gửi tới Hội thảo là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc xoay quanh những chủ đề thu hút được sự quan tâm của công chúng trong thời gian qua về thương mại quốc tế. Những bài viết đã thể hiện công sức, sáng tạo với những phân tích và góc nhìn đa chiều nhưng cũng không thiếu những nhận định, đánh giá thể hiện “cái tôi” của sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học". Đồng thời, PGS, TS Đào Ngọc Tiến cũng gửi lời chúc Hội thảo sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.

Đại diện Trường Đại học Laval, Canada, TS Lý Vân Anh - Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Những thách thức mới của Toàn cầu hóa kinh tế (Chaire NEME) bày tỏ sự hợp tác giữa Trường ĐH Laval và Trường ĐH Ngoại thương được kỳ vọng tạo ra sân chơi giao lưu học thuật cho các sinh viên, học viên đến từ nhiều khu vực, quốc gia khác nhau để cùng trao đổi về các thách thức xuyên biên giới trong thương mại quốc tế.

Tiếp nối sau phiên khai mạc là 5 phiên trình theo theo chủ đề. Bao gồm: Phiên 1: Mối quan hệ giữa chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương trong thương mại quốc tế; Phiên 2: Thương mại khu vực và một số vấn đề phi truyền thống (1); Phiên 3: Thương mại khu vực và một số vấn đề phi truyền thống (2); Phiên 4: Thương mại điện tử trong các hiệp định thương mại khu vực; Phiên 5: Chủ nghĩa khu vực và quy định thị trường carbon.
Trước đó, Hội thảo ngày thứ nhất đã được trường ĐH Laval tổ chức thành công tại thành phố Quebec, Canada với 20 bài viết được trình bày vào ngày 15/5/2024. Hội thảo tại Việt Nam được phát động từ tháng 9/2023, trải qua 8 tháng, Ban tổ chức đã nhận được hàng chục đề xuất từ các bạn sinh viên của nhiều cơ sở đào tạo đại học tại Việt Nam, Canada và Pháp. Trong đó, 15 bài viết có chất lượng tốt nhất đã được lựa chọn để trình bày tại Hội thảo theo 05 phiên dưới sự đánh giá của 03 vị giám khảo ở mỗi phiên.

Các bài viết tại Hội thảo đều được đánh giá bởi những chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về lý luận và cả thực tiễn trong thương mại quốc tế, như: Bà Đặng Thị Thủy - Trưởng phòng Pháp luật tài chính quốc tế, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính; TS Lý Vân Anh – Phó Giám đốc Chương trình Chaire NEME, Trường Đại học Laval - Canada; Luật sư Nguyễn Trung Nam – Luật sư thành viên cấp cao, Sáng lập viên Công ty Luật EPLegal; Luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Luật Vietsky; Luật sư Nguyễn Duy Hiếu - Luật sư cao cấp Công ty Sembcorp Energy; Bà Bùi Thị Thu Hà - Quản lý Dự án Tài chính Công bằng, Oxfam tại Việt Nam; Bà Bùi Thị Thùy Dương - Công ty TNHH Luật Dzungsrt & Associates; TS Trần Thị Hồng Nhung - Giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế và Quản lý công, ĐH Kinh tế Quốc dân cùng các giảng viên cao cấp của Trường ĐH Ngoại thương.

Bên cạnh đó, các công trình gửi tới Hội thảo đều là những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc xoay quanh những "chủ đề nóng" hiện nay liên quan đến thương mại quốc tế: Các hiệp định thương mại khu vực và tác động của chúng tới nền kinh tế toàn cầu; Những thách thức và cơ hội của hợp tác kinh tế trong khu vực liên quan đến vấn đề toàn cầu; Chính sách thương mại khu vực và ảnh hưởng của chúng tới toàn cầu hóa kinh tế; Hậu quả kinh tế xã hội của các hiệp định thương mại khu vực; Chiến lược phát triển khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa thế giới; Các hình thức mới của chủ nghĩa khu vực kinh tế và ý nghĩa toàn cầu của chúng; Các sáng kiến khu vực nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu như: do biến đổi khí hậu, nghèo đói và bất bình đẳng; Phương pháp tiếp cận đa ngành để hiểu liên kết giữa chủ nghĩa khu vực và những thách thức toàn cầu.

Hội thảo Hội thảo sinh viên quốc tế năm 2024 với chủ đề “Tái định hình biên giới kinh tế: Chủ nghĩa khu vực và con đường đúng đắn để giải quyết những thách thức toàn cầu” kỳ vọng đóng góp cho quá trình học tập, nghiên cứu và chuyển giao tri thức, làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý thuyết hay thực tiễn cho nhiều khía cạnh trong thương mại quốc tế, qua đó góp phần lan toả hình ảnh của Trường ĐH Ngoại thương với vai trò là một cơ sở đào tạo uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực thương mại quốc tế cũng như pháp luật thương mại quốc tế.