Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

Hội thảo khoa học cấp trường “Triển khai các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế phù hợp với mục tiêu trở thành đại học đổi mới sáng tạo”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 27/5/2024, Cơ sở II đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học cấp Trường với chủ đề “Triển khai các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế phù hợp với mục tiêu trở thành đại học đổi mới sáng tạo”.

Đây là hoạt động khoa học thường niên của nhà trường với mục đich trao đổi và chia sẻ giữa các chuyên gia, giảng viên và các nhà nghiên cứu về các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế phù hợp với mục tiêu trở thành đại học đổi mới sáng tạo. Những vấn đề Hội thảo tập trung vào thảo luận bao gồm: Vai trò của giảng viên, viên chức, người học trong chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế; Các giải pháp thúc đẩy, phát huy và cơ hội cho người học khi tham gia các chương trình; Kinh nghiệm giảng dạy, học tập và làm việc được rút ra và áp dụng từ các trường đại học trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình; và Chuyển đổi số, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc triển khai chương trình.
Tham dự Hội thảo, về phía Cơ sở II có PGS, TS Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc cơ sở II, đại diện Ban Quản lí Khoa học và Hợp tác Quốc tế, các viên chức quản lý và giảng viên đến từ Bộ môn Ngoại ngữ, và các Ban, Bộ môn khác tại Cơ sở II. Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của các giảng viên và nhà khoa học đến từ các trường đại học tại TP. HCM.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Xuân Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích nghi với sự phát triển của xã hội và thế giới của giáo dục. Thầy cũng chia sẻ việc hội nhập quốc tế là bắt buộc và cần thiết; vì vậy, giảng viên phải nỗ lực hết mình nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giảng dạy một cách hiệu quả và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển một cách tốt nhất phù hợp với sự phát triển của thế giới và hội nhập quốc tế.


Nội dung chính của buổi hội thảo xoay quanh 6 tham luận, được trình bày bằng tiếng Anh và tiếng Việt với các chủ đề như: “Nhận thức của sinh viên về các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong một khóa học ngôn ngữ ở giáo dục đại học” của ThS Lê Thanh Hà; “Tìm hiểu về nỗi lo lắng trong môn nói trước công chúng” của ThS Vũ Phương Hồng Ngọc; “Phản ánh của giảng viên về những thách thức trong việc giảng dạy tiếng anh chuyên ngành tại trường đại học Sài Gòn” của nhóm tác giả từ Trường ĐH Sài Gòn; “Nghiên cứu thái độ của sinh viên đại học đối với các bài kiểm tra trực tuyến: trường hợp tại FTU” của ThS Lâm Thị Mỹ Dung và “Nâng cao hiểu biết về thuật ngữ kinh tế, pháp lý và thành ngữ trong tài liệu đọc chuyên ngành” của ThS Trần Nam Thiên Hương. Kết thúc buổi hội thảo, ThS Nguyễn Thị Như Thuỷ – Giám đốc sản phẩm cao cấp – Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát trình bày về việc sử dụng tài liệu trong giảng dạy tiếng Anh chyên ngành (ESP).


Sau phần trình bày các bài tham luận, các giảng viên và khách mời cùng nhau thảo luận những vấn đề liên quan đến việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học liên quan đến các tham luận. Buổi thảo luận diễn ra trong không khí vui vẻ, cởi mở, mang lại những kiến thức bổ ích cũng như trải nghiệm quý báu cho các giảng viên và khách mời tham dự.