Sidebar

Magazine menu

21
Tue, Jan

Hội thảo “Thương mại quốc tế trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 08/11/2024 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, Trường ĐH Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Sở Công thương Tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “Thương mại quốc tế trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.

Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tài trợ.
Tham dự Hội thảo, về phía cơ quan quản lý Nhà nước có ông Trần Thanh Mến - Giám đốc Sở Công thương, tỉnh Bạc Liêu; Ông Mai Bá Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến - Xuất khẩu Tôm Việt; TS Nguyễn Anh Phong - Phó viện trưởng, Viện chính sách và chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện các sở ban ngành tại tỉnh Bạc Liêu. Hội thảo còn có sự hiện diện của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đại diện các cơ quan thông tấn báo chí, đại diện các doanh nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Về phía Ban tổ chức Hội thảo có PGS, TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương; PGS, TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;


Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS, TS Phạm Thu Hương khẳng định Hội thảo chính là cơ hội để các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan hoạch định và thực thi chính sách cùng các bên liên quan trao đổi để tìm ra những giải pháp giúp nông sản của Việt Nam vượt qua được những thách thức mới trong thương mại quốc tế và tiếp tục là một trong những động lực, trụ cột của hoạt động ngoại thương.


PGS, TS Lê Vũ Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Chương trình WTO Chair giữa Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Ngoại thương trong sự kiện lần này. Thông qua chương trình, hai đơn vị cam kết phát triển các sáng kiến nghiên cứu trong lĩnh vực luật thương mại quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy sự tham gia sâu rộng hơn vào các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Trần Thanh Mến - Giám đốc Sở Công thương, tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao việc Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tổ chức Hội thảo tại tỉnh Bạc Liêu. Hội thảo là dịp để các đại biểu tiếp cận, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại nói riêng và thương mại quốc tế nói chung.


Chương trình Hội thảo gồm hai hoạt động chính: Phiên Tham luận và Phiên Thảo luận bàn tròn.
Tại Phiên Tham luận, các đại biểu đã lắng 2 bài tham luận của PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng tạo, Trường ĐH Ngoại thương và TS Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng, Viện chính sách và chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phiên Tham luận tập trung vào hai nội dung chính: các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với nông sản và sự thích ứng của doanh nghiệp nông nghiệp trước nhu cầu thị trường hướng tới sản phẩm "xanh".


Phiên Thảo luận bàn tròn diễn ra dưới sự điều phối của TS Vũ Kim Ngân – Phó Giám đốc Chương trình WTO Chair tại Trường ĐH Ngoại thương và các diễn giả tham gia chia sẻ: Ông Trần Thanh Mến; TS Đào Gia Phúc; Ông Nguyễn Hoài Nam; Ông Phạm Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Phiên Thảo luận tập trung vào các cơ hội và thách thức trong thương mại quốc tế đối với các doanh nghiệp địa phương, xoay quanh bức tranh xuất khẩu với kim ngạch, mặt hàng chủ lực, và các định hướng chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm giàu tiềm năng của tỉnh Bạc Liêu. Các thách thức về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng rào kỹ thuật (TBT/SPS) được phân tích cụ thể, cùng với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các diễn giả cũng bàn về chiến lược xuất khẩu, sự khác biệt khi tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Phiên thảo luận còn nhấn mạnh vai trò của các cơ sở nghiên cứu và trường đại học như một cầu nối quan trọng giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, hỗ trợ triển khai chính sách và tháo gỡ khó khăn.


Kết thúc Hội thảo, đại diện Trường Đại học Ngoại thương phát biểu bế mạc và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và đơn vị đồng tổ chức đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Hội thảo chuyên đề “Thương mại quốc tế trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.