Lựa chọn đề tài có tính "thời sự", các nghiên cứu nổi bật dưới đây được công bố trong FTU Working Paper Series (FWPS) Quyển 2 Tập 4 năm 2021 không chỉ được hội đồng biên tập đánh giá cao mà còn thu hút đông đảo lượt xem và tải về.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH MUA SẮM TRỰC TUYẾN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG THẾ HỆ Z THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Xã hội hiện đại đang dần nhường chỗ cho thế hệ Z, khi mà những người trẻ đã và đang chuẩn bị trở thành lực lượng lao động chính của xã hội. Có thể thấy rằng nhóm đối tượng này mang lại sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường, đặc biệt là thị trường mua sắm trực tuyến. Một vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo,... đã làm thị trường này trở nên sôi động hơn, thu hút các khách hàng tiềm năng là những người trẻ đang có nhu cầu cập nhật xu hướng mới mỗi ngày. Chính vì vậy, việc tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố tác động đến hành vi mua sắm trực tuyến của thế hệ Z đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết. Thông qua việc tìm hiểu về những yếu tố này, người tiêu dùng thế hệ Z sẽ có cái nhìn khách quan hơn về nhu cầu mua sắm của mình, đồng thời các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến cũng phần nào hiểu rõ hơn khách hàng mà họ đang hướng tới.
Đề tài nghiên cứu “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng thế hệ Z thành phố Hà Nội” do sinh viên La Thị Tuyết - K56 chuyên ngành Quản trị kinh doanh dưới sự hướng dẫn của giảng viên Lê Thu Hằng - Khoa Quản trị Kinh doanh trường ĐH Ngoại thương đã đem đến những phân tích cụ thể về thói quen mua sắm trực tuyến của thế hệ Z tại Hà Nội, qua đó cung cấp một vài giải pháp cho việc nâng cao hoạt động kinh doanh trực tuyến của các doanh nghiệp hiện nay. Nghiên cứu đã thu hút 4.176 lượt đọc và 1.484 lượt tải về trên FWPS (tính đến ngày 25/7/2022).
Link bài viết đầy đủ: https://fwps.ftu.edu.vn/2021/10/13/cac-yeu-to-anh-huong-den-quyet-dinh-mua-sam-truc-tuyen-cua-nguoi-tieu-dung-the-he-z-thanh-pho-ha-noi/
--------
PHÂN TÍCH HÀNH VI NGƯỜI DÙNG VỀ VIỆC SỬ DỤNG VÍ ĐIỆN TỬ TẠI HÀ NỘI
Thị trường thanh toán điện tử đã không ngừng lớn mạnh trong những năm gần đây, từ Paypal, mobile/Internet banking cho đến ví điện tử. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người sử dụng có thể dễ dàng thực hiện các thao tác giao dịch mà không phải di chuyển hay dùng tiền mặt. Nhận thấy sự tiện lợi của ví điện tử, nhiều người đã dần chuyển từ hình thức giao dịch bằng tiền mặt hay thẻ ngân hàng sang sử dụng công cụ này để thanh toán. Vì vậy, ví điện tử không chỉ liên kết với các sàn giao dịch thương mại như Shopee hay Lazada mà còn được phổ biến ở các địa điểm dịch vụ công cộng như nhà hàng, cửa hàng quần áo,...
Tuy vậy, số lượng nghiên cứu về ví điện tử cùng với hành vi của người dùng hiện nay không nhiều. Do đó, để cung cấp thêm một góc nhìn sâu hơn về chủ đề này, Đặng Phương Chi - sinh viên K56 Kế toán kiểm toán – Khoa Kế toán kiểm toán, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu “Phân tích hành vi người dùng về việc sử dụng ví điện tử tại Hà Nội”, phân tích dữ liệu thông qua phần mềm SPSS. Nghiên cứu đã thu hút 1.720 lượt đọc và 627 lượt tải về trên FWPS (tính đến ngày 25/7/2022).
Link bài viết đầy đủ: https://fwps.ftu.edu.vn/2021/10/13/phan-tich-hanh-vi-nguoi-dung-ve-viec-su-dung-vi-dien-tu-tai-ha-noi/
------------
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI TÌNH TRẠNG NGHIỆN MẠNG XÃ HỘI Ở NGƯỜI DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Trong khoảng một thập kỷ gần đây, các phương tiện truyền thông xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt ở Việt Nam. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, tình trạng nghiện mạng xã hội đang ngày càng gia tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. Xuất phát từ thực tiễn này, Trần Phương Linh, Đặng Việt Hùng - sinh viên K58 CTTT Quản trị kinh doanh – Khoa Quản trị kinh doanh, Vũ Bảo Anh - sinh viên K58 Luật thương mại quốc tế – Khoa Luật, Nguyễn Thị Yến Nhi - sinh viên K58 Kinh tế đối ngoại – Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội và Hà Minh Đức - sinh viên K61 Khoa học dữ liệu trong kinh tế và Kinh doanh – Khoa Toán kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội đã thực hiện đề tài "Các yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng nghiện mạng xã hội ở người dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng thang đo nghiện mạng xã hội và tiến hành khảo sát 254 người dùng trên địa bàn Hà Nội, qua đó kiểm định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các nhân tố nghiên cứu. Kết quả cho thấy thời lượng và hành vi sử dụng mạng xã hội của người dùng chịu tác động lớn bởi các nhân tố đến từ phương tiện truyền thông xã hội. Nhận thức được vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp thực tiễn, khoa học trong việc sử dụng mạng xã hội nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tình trạng nghiện mạng xã hội.
Xem bài viết đầy đủ: https://fwps.ftu.edu.vn/2021/10/13/cac-yeu-to-anh-huong-toi-tinh-trang-nghien-mang-xa-hoi-o-nguoi-dung-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi/
-----------
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP TẠI VIỆT NAM
Để cung cấp một cái nhìn khách quan và mới mẻ về việc xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm Đỗ Hà Thắm - sinh viên K56 Quản trị kinh doanh – Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội đã thực hiện đề tài “Xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam”, tập trung tìm hiểu việc phát triển và xây dựng thương hiệu của 118 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cùng với 3 điển hình nghiên cứu khác nhau. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Dựa trên khảo sát thực tế kết hợp với những cơ sở lý luận về thương hiệu, nghiên cứu đã tìm hiểu thực trạng xây dựng và phát triển thương hiệu của 118 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam cùng với 3 điển hình nghiên cứu là điện tử MoMo, Sàn thương mại điện tử Tiki, Chuỗi cửa hàng dịch vụ cầm đồ F88. Kết hợp các phương pháp trên, nhóm tác giả đã tìm hiểu được thực trạng các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, cụ thể như sau: các doanh nghiệp đã có sự đa dạng về loại hình doanh nghiệp, về quy mô, về doanh thu trung bình năm, thời gian hoạt động và ngành nghề kinh doanh. Việc phân tích các điển hình đã xác định được tình hình thực tế của chiến lược xây dựng tầm nhìn thương hiệu, định vị thương hiệu, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, các hoạt động truyền thông thương hiệu, tiếp thị giới thiệu (Referral Marketing), quảng cáo, quan hệ công chúng tại các doanh nghiệp. Từ đó, một số kiến nghị được đề xuất nhằm cải thiện vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.
Link bài viết đầy đủ: https://fwps.ftu.edu.vn/2021/10/13/xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-cua-cac-doanh-nghiep-khoi-nghiep-tai-viet-nam/
--------
Với mong muốn thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, từ năm học 2020 - 2021, trường Đại học Ngoại thương đã tạo lập trang FTU Working Paper Series (FWPS), nơi đăng tải và công bố các kết quả nghiên cứu do sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Nhà trường thực hiện.
Việc gửi bài viết, công trình nghiên cứu đăng tải trên FWPS sẽ tạo điều kiện cho sinh viên, học viên của Trường Đại học Ngoại thương có cơ hội rèn luyện nâng cao viết và công bố các bài báo khoa học. Các bài viết được công bố tại FWPS cũng là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên trong và ngoài trường. Đồng thời, FWPS còn là nơi khuyến khích trao đổi, chia sẻ thông tin, kết nối học thuật, đồng hành nghiên cứu nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, hướng tới chuyển giao tri thức cho cộng đồng xã hội của người học. Các bài viết được công nhận là một công trình nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Tìm hiểu thêm tại: https://fwps.ftu.edu.vn/