Trong hai ngày 01/06 và 02/06/2023, Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Khóa tập huấn “Kinh tế chính trị quốc tế trong kỷ nguyên số”. Đây là một trong những hoạt động chuyên môn nhằm bồi dưỡng cho lực lượng giảng viên tham gia giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo Kinh tế chính trị quốc tế.
Trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu, tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. Việc trang bị kiến thức về chính trị, kinh tế và công nghệ là điều cần thiết để giúp chúng ta thích ứng, phát triển và giải quyết những thách thức và cơ hội trong kỷ nguyên số hiện nay. Bắt đầu từ năm 2023, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế được triển khai tại Trường ĐH Ngoại thương. Khóa tập huấn “Kinh tế chính trị quốc tế trong kỷ nguyên số” được Khoa Lý luận chính trị tổ chức nhằm đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên đủ năng lực để giảng dạy chương trình
Chương trình có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả chính đến từ ĐH British Columbia (Canada), gồm: GS Yves Tiberghien; Nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Phượng Trinh; Nhà nghiên cứu Chaewon Lee. Bên cạnh đó, Workshop cũng có sự tham dự của Giáo sư Trần Thị Anh Đào tới từ Trường ĐH Rouen Normandy, Pháp.
Tham dự buổi khai mạc chương trình, về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS, TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Nhà Trường; PGS,TS Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế; TS Thân Thị Hạnh - Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trưởng/ Phó một số đơn vị trong Trường; Các cán bộ, giảng viên đến từ các Khoa/ Viện chuyên môn trong trường và sinh viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS, TS Đào Ngọc Tiến đánh giá cao tính cập nhật, thực tiễn và sự hấp dẫn của chủ đề “Kinh tế chính trị quốc tế trong kỷ nguyên số”. PGS, TS Đào Ngọc Tiến tin tưởng rằng các thảo luận có ý nghĩa khoa học cao tại Khóa tập huấn sẽ nâng cao chuyên môn của các giảng viên tham gia và gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới. Thay mặt Nhà trường, PGS, TS Đào Ngọc Tiến cũng gửi lời cảm ơn và trao tặng quà lưu niệm của Nhà trường cho GS Yves Tiberghien và các khách mời.
Về nội dung, Khóa Tập huấn gồm bốn chủ đề, gồm (1) Why IPE Matters: the critical politics at the heart of economic processes, (2) How the world economy works: key pillars and regimes and their current crisis, (3) Divergent Views and Approaches to IPE trong đó đi sâu vào vấn đề “Study Through the Lens of Models of Economic Development”, và (4) The Essential IPE Frontier Topics – Digital and Green transition. Tại chương trình, GS Yves Tiberghien đã trình bày khái quát các vấn đề nền tảng của Kinh tế chính trị quốc tế như sự hình thành của nền kinh tế toàn cầu, những cú shock định hình quan hệ Kinh tế chính trị quốc tế hiện đại, vấn đề quản trị toàn cầu (trong đó nhấn mạnh quản trị thương mại và quản trị tài chính toàn cầu), các thể chế quốc tế, các mô hình phát triển kinh tế trên thế giới.
Trong chủ đề thứ tư của Khóa Tập huấn về Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh, nhà nghiên cứu Chaewon Lee trình bày về “Climate Change and the Green Tech Revolution as Game-Changing Disruption: Impact on IPE”, và nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Phượng Trinh trình bày về “Fragmented Digital and AI Governance”. Theo đó, học giả Chaewon Lee đưa ra luận điểm cơ bản là biến đổi khí hậu và sự tiến bộ của công nghệ “xanh” có tác động rất lớn đến kinh tế chính trị quốc tế thông qua những thay đổi về mặt thị trường, chính trị, xã hội. Nhà nghiên cứu Chaewon Lee cho rằng Việt Nam đã và đang tiến nhanh trong việc sử dụng năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Phan Phượng Trinh nhấn mạnh rằng các công nghệ kỹ thuật số, AI và blockchain đã và đang mang lại những tiềm năng to lớn cho phát triển, kinh tế quản trị các vấn đề chính trị toàn cầu, tuy nhiên việc quản lý các tác động xã hội, chính trị và quan hệ quốc tế trên Internet và mạng xã hội là những thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia.
Khóa Tập huấn đã cung cấp những kiến thức quan trọng và thú vị về Kinh tế chính trị quốc tế. Phần trình bày của các diễn giả đã nhận được rất nhiều sự quan tâm với nhiều thảo luận, chia sẻ sôi nổi, và câu hỏi của các đại biểu tham gia Khóa Tập huấn. Chương trình Khóa Tập huấn còn gợi mở những cách tiếp cận mới về sự hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Những nội dung này rất bổ ích và có ý nghĩa đối với việc xây dựng chương trình cử nhân Kinh tế chính trị quốc tế tại Trường ĐH Ngoại thương.