Sidebar

Magazine menu

24
Sun, Nov

Đoàn Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á giao lưu cùng cán bộ giảng viên trường ĐH Ngoại thương

Sự kiện tiêu biểu

Ngày 17/5/2023, đoàn đại biểu Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) đã đến thăm và tìm hiểu về mô hình “Đổi mới quốc tế hóa trong giáo dục đại học” tại Trường Đại học Ngoại thương.

 Chương trình có sự góp mặt của khoảng 100 nhà lãnh đạo trẻ là giáo viên, giảng viên, quản trị viên, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia khác trong độ tuổi từ 22-35 đến từ 10 quốc gia ASEAN và Timor Leste. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội thảo khu vực Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) 2023 về Đổi mới sáng tạo trong quốc tế hóa giáo dục đại học.

Sự kiện còn có sự hiện diện của Bà Francesca Lichauco – Điều phối viên YSEALI, Đại sứ quán Hoa Kỳ; PGS, TS Trương Thị Nam Thắng - Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân; TS Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Về phía Trường ĐH Ngoại thương có: PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trường phòng Hợp tác quốc tế; PGS, TS Lê Thái Phong - Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh; PGS, TS Lê Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU; ThS Nguyễn Huyền Minh - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Đối ngoại cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường. 

Phát biểu tại chương trình, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương gửi lời chào đón nồng nhiệt tới đoàn YSEALI đến tìm hiểu về chiến lược quốc tế hóa giáo dục của Trường Đại học Ngoại thương. PGS, TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh điểm chung của YSEALI và Trường Đại học Ngoại thương là cùng hoạt động với mục đích phát triển kỹ năng và các năng lực cho giới trẻ, tương lai của đất nước, cũng chính là tương lai của khu vực và thế giới. YSEALI và Nhà trường cùng coi trọng nghiên cứu và sáng tạo đối với phát triển. Xác định quốc tế hóa giáo dục là một trong những trụ cột trong quá trình phát triển, Nhà trường đã, đang và sẽ tiến hành nhiều hoạt động quốc tế hóa giáo dục để giúp cán bộ giảng viên và sinh viên được tiếp cận và hòa mình trong môi trường quốc tế. 

Thông qua bài chia sẻ về quốc tế hoá giáo dục tại Trường Đại học Ngoại thương của PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, các Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á đã có hình dung cụ thể định hướng cùng những khó khăn, thách thức mà Nhà trường gặp phải trên con đường hội nhập giáo dục quốc tế, xây dựng môi trường giáo dục quốc tế tại Nhà trường từ chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ hội học tập với những giáo sư từ các đại học hàng đầu, trao đổi học tập nước ngoài,… 

Phần thảo luận bàn tròn đã diễn ra đầy sôi nổi với sự điều phối của ThS Nguyễn Huyền Minh - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Đối ngoại cùng sự tham gia chia sẻ của các diễn giả: Bà Trần Thuỳ Trang - Giám đốc Nhân sự và Đào tạo, Deloitte Việt Nam; PGS, TS Lê Thái Phong - Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh; TS Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU; Anh Lê Minh Hiếu - Cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, cựu thành viên YSEALI; Sinh viên Trần Đặng Kim Nguyên - sinh viên năm 2 Trường ĐH Ngoại thương. 

Chia sẻ tại chương trình, TS Nguyễn Thu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU cho biết: “Thực hiện chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 với mục tiêu chung - Trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cung cấp các sản phẩm xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế cao trong khu vực Châu Á. Trường ĐH Ngoại thương đã triển khai sâu và rộng các hoạt động nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi người Ngoại thương”. Những nỗ lực, cố gắng của thầy và trò Nhà trường đã được đền đáp với các thành tích ấn tượng như Danh hiệu “Trường ĐH xuất sắc tiêu biểu - Hạt nhân thay đổi tạo tác động lớn nhất” (The Most Impactful Change Agent Award) trong 2 năm liên tiếp là 2021 và 2022 tại cuộc thi “Sáng tạo Kinh doanh Xã hội” (SBC) do Trường Đại học HEC Montréal Canada (HEC) và Giáo sư Muhammad Yunus đoạt giải Nobel Hòa bình 2006 khởi xướng, tổ chức và bảo trợ chuyên môn, nhằm hướng đến thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc; các ý tưởng khởi nghiệp được xây dựng, đồng sáng lập bởi sinh viên Nhà trường đã đạt nhiều giải thưởng tại các sân chơi khởi nghiệp uy tín cũng như được rót vốn bởi các quỹ đầu tư,... 

Giới thiệu về các chương trình đào tạo tại Trường ĐH Ngoại thương, PGS, TS Lê Thái Phong phân tích tính quốc tế hoá giáo dục của các chương trình đào tạo tiên tiến được thể hiện qua chương trình đào tạo được chuyển giao từ các trường đại học đối tác hàng đầu, cơ hội được tham gia trao đổi và học tập lấy bằng từ các đại học hàng đầu Thế giới,... Việc trao đổi chương trình dạy và học tập ở Chương trình tiên tiến cũng giúp tạo nên một cộng đồng học thuật, giúp đỡ và chia sẻ, giúp tạo nên một trải nghiệm học tập tốt hơn cho sinh viên Nhà trường. 

Dưới góc độ sinh viên và cũng là cựu thành viên của YSEALI, Lê Minh Hiếu chia sẻ cơ duyên để hình thành ý tưởng khởi nghiệp của bản thân từ khi còn là học sinh bậc THPT. Và Trường ĐH Ngoại thương là nơi giúp Minh Hiếu hoàn thiện ý tưởng này cũng như tìm được phương thức thương mại hoá các sản phẩm liên quan đến nhựa sinh học của mình. Qua câu chuyện truyền cảm hứng của bản thân, Lê Minh Hiếu đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ qua việc học hỏi từ chính các câu lạc bộ sinh viên, hoạt động sinh viên, cũng như xin lời khuyên từ giảng viên. Minh Hiếu cũng khẳng định rằng, việc kết nối với những người bạn trong quốc tế, đặc biệt là những người bạn cùng tham dự chương trình YSEALI đã mang đến cho anh nhiều kiến thức và ý tưởng mới, đồng thời nhấn mạnh yếu tố “international connection” là một trong những chìa khóa thành công. 

Chia sẻ trên góc độ doanh nghiệp, Bà Trần Thuỳ Trang - Giám đốc Nhân sự và Đào tạo, Deloitte Việt Nam cho biết để thu hút nhân sự Gen Z, Deloitte chủ động xây dựng nhiều chương trình và nền tảng đào tạo cho sinh viên. Trong đó nổi bật nhất là CURA, nền tảng học tập, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra nội dung học tập phù hợp cho người dùng dựa trên sở thích và vai trò cá nhân của họ. Deloitte cũng có Đại học Deloitte, một tổ chức giáo dục nhằm cung cấp các chương trình học tập chất lượng cao về lĩnh vực kế toán, tài chính, quản trị doanh nghiệp và các lĩnh vực liên quan. Đại học Deloitte hợp tác với các chuyên gia và giảng viên hàng đầu, đảm bảo cung cấp kiến thức chuyên sâu và ứng dụng thực tế cho sinh viên và chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh. Deloitte còn có các chương trình huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện công việc cho các nhân sự mới là Gen Z. Trong vòng 5 năm qua, với sự hợp tác chặt chẽ và đồng hành của các trường đại học, tiêu biểu là Trường Đại học Ngoại thương, Deloitte đã thiết kế và triển khai chương trình Hộ chiếu Deloitte, giúp cho sinh viên có thể thực tập tại Deloitte, cũng như gặp gỡ các chuyên gia đến từ Deloitte và các đối tác của Deloitte, gia tăng trải nghiệm nghề nghiệp khu vực và quốc tế cho các tài năng trẻ.

Đề cập đến khái niệm “Neighbourhood effect”, Trần Đặng Kim Nguyên chia sẻ về hành trình phát triển bản thân trong 2 năm học tại Trường Đại học Ngoại thương của Á Vương 1 Ngoại thương. “Em tin rằng khái niệm này áp dụng không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cá nhân. Khi chúng ta được ở cạnh những người có cùng quan điểm, cùng mục tiêu, cùng sở trường, chúng ta sẽ có cơ hội để đóng góp cho một kho kiến thức chung. Và từ những kiến thức đấy sẽ sinh ra những phát kiến mới. Diễn đàn YSEALI là nơi những thủ lĩnh trẻ về giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm và tạo ra giải pháp đổi mới”. Kim Nguyên cho biết: “Trong 3 năm vừa qua, em đã xây dựng rất nhiều cộng đồng online ở trong nước và trên thế giới với hàng trăm ngàn thành viên về nhiều lĩnh vực trải dài từ Làm việc năng suất, Phát triển bản thân, đến Blockchain, Crypto, đến A.I và gần đây nhất là một cộng đồng về Crossborder Ecommerce (thương mại điện tử xuyên biên giới)”. Từ năm 2021, Kim Nguyên vinh dự trở thành 1 trong 3 Đại sứ Quốc tế của Notion và được chia sẻ về hành trình xây dựng cộng đồng hơn 100,000 thành viên trong 6 tháng với trụ sở Notion tại San Francisco. Trường Đại học Ngoại thương đã chính là cái nôi cung cấp môi trường năng động cho sinh viên học hỏi từ những người giỏi nhất và mở rộng mạng lưới quốc tế. 

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á đã đặt nhiều câu hỏi thú vị cùng như xin lời khuyên từ các diễn giả của Trường Đại học Ngoại thương như: Làm sao để các cá nhân/các trường đại học hay tổ chức có thể tiếp cận giáo dục toàn cầu nếu như thiếu nguồn kinh phí và hỗ trợ, Chiến lược của Nhà trường khi tiếp cận với “khởi nghiệp” trong giảng dạy, tạo động lực học tập cho sinh viên.


------------------
Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là chương trình của chính phủ Hoa Kỳ nhằm tăng cường phát triển năng lực lãnh đạo và kết nối trong khu vực Đông Nam Á. Chương trình được khởi xướng và công bố năm 2013 bao gồm trao đổi giáo dục và văn hóa Mỹ, giao lưu ở cấp độ khu vực và các quỹ tài trợ. YSEALI hướng tới xây dựng năng lực lãnh đạo của thanh niên trong khu vực, tăng cường quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á và bồi dưỡng một cộng đồng ASEAN. YSEALI tập trung vào các chủ đề quan trọng mà thanh niên trong khu vực quan tâm như: tinh thần tích cực của công dân, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, khởi nghiệp và phát triển kinh tế.

Link báo đưa tin:
Báo Đại biểu Nhân dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/doan-sang-kien-thu-linh-tre-dong-nam-a-tim-hieu-mo-hinh-doi-moi-giao-duc-truong-dh-ngoai-thuong-i329134/
Báo Giáo dục và Thời đại: https://giaoducthoidai.vn/chia-se-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-voi-thu-linh-tre-dong-nam-a-post639197.html
Chuyên trang Giáo dục Thủ đô: https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/chia-se-doi-moi-giao-duc-dai-hoc-voi-thu-linh-tre-dong-nam-a-53851.html
Báo SVVN: https://svvn.tienphong.vn/doan-sang-kien-thu-linh-tre-dong-nam-a-giao-luu-cung-can-bo-giang-vien-truong-dai-hoc-ngoai-thuong-post1535583.tpo