Sidebar

Magazine menu

21
Sat, Dec

TỌA ĐÀM “HIỆP ĐỊNH CPTPP: TRIỂN VỌNG MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM” CỦA VIỆN KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ

Hội thảo, Hội nghị, Tọa đàm

Ngày 01/10/2021, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Hiệp định CPTPP: Triển vọng mới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”.

Toạ đàm có sự tham dự của PGS, TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương; TS Hoàng Huệ Anh - Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS), Học viện Nông nghiệp Việt Nam; GS Nguyễn Quốc Hùng - Đại học Hyogo, Nhật Bản, PGS, TS Bùi Thị Lý - Viện trưởng Viện KT&KDQT, các chuyên gia, cán bộ, giảng viên và các học viên, sinh viên của trường.

Phát biểu mở đầu, PGS. TS Đào Ngọc Tiến đã khẳng định tầm quan trọng của việc trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn cho người tham dự về hiệp định CPTPP, cũng như các vấn đề mang tính thời sự gần đây. Thầy cho biết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định CPTPP, là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Kể từ khi gia nhập hiệp định đến nay, trong hai năm nay, nhiều cam kết của CPTPP đã được triển khai trên thực tế, những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác CPTPP, và các dữ liệu về công tác cải cách thể chế thực thi cam kết CPTPP ở Việt Nam. CPTPP được dự báo sẽ tạo ra những tác động tích cực cả về kinh tế và thể chế cho Việt Nam. Đồng thời, với những cam kết tiêu chuẩn cao so với thế giới trong nhiều khía cạnh quy tắc, CPTPP đặt ra những thách thức đáng kể đối với Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định. Bên cạnh đó sự mong muốn tham gia của các quốc gia khác trong thời gian gần đây cũng là những vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm. Do đó, toạ đàm khoa học: “Hiệp định CPTPP: Triển vọng mới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” được đánh giá là cập nhật, thực tiễn với xu hướng và mang tính thời sự.

Tại toà đàm, nhiều vấn đề đã được đưa ra như “Đánh giá về quá trình thực hiện CPTPP của Việt Nam”; “Thái độ của các nước thành viên CPTPP khi có sự xin gia nhập của các quốc gia mới”; “Sự chuẩn bị của Việt Nam khi CPTPP có thể có thêm các thành viên mới”. Các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ những quan điểm, bình luận để có những góc nhìn đa chiều về các vấn đề này.