Ngày 05/01/2023, Trường ĐH Ngoại thương đã tổ chức Tọa đàm khoa học cấp Trường với chủ đề “Việt Nam hội nhập thế giới: Góc nhìn từ kinh tế chính trị quốc tế” nhằm đưa ra những phân tích, đánh giá sự hội nhập toàn diện của Việt Nam dưới góc độ Kinh tế chính trị quốc tế theo cách tiếp cận liên ngành.
Tọa đàm cũng là một phần trong lộ trình xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế chính trị quốc tế tại Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian tới.
Tọa đàm được tổ chức kết hợp trực tiếp tại Trường ĐH Ngoại Thương và trực tuyến trên Zoom meeting, với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên, sinh viên và người quan tâm.
Tham dự Tọa đàm, về phía diễn giả và khách mời có TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP. HCM; GS Dominique Laffly - Tùy viên Khoa học Công nghệ, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; PGS, TS Trần Thị Anh Đào - ĐH Rouen Normandy; TS Nguyễn Thị Giang - Phó Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị, Học viện Ngân hàng; Ông Lê Thành Tuyên - Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có sự tham gia của PGS, TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng Phòng Quản lý khoa học; TS Thân Thị Hạnh - Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị; Trưởng, Phó một số đơn vị trong trường; các cán bộ giảng viên, sinh viên tại Trụ sở chính Hà Nội, kết nối trực tuyến cùng các cán bộ, giảng viên Cơ sở 2 tại TP. HCM.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS, TS Phạm Thị Thu Hương đánh giá cao tính cập nhật, thực tiễn và sự hấp dẫn của chủ đề Tọa đàm. PGS, TS Phạm Thị Thu Hương khẳng định việc nhìn nhận vấn đề hội nhập thế giới của Việt Nam dưới góc nhìn liên ngành của Kinh tế chính trị quốc tế là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Thay mặt Tập thể lãnh đạo Nhà trường, PGS, TS Phạm Thị Thu Hương đã gửi lời cảm ơn và trao tặng quà lưu niệm của Nhà trường tới các diễn giả và khách mời thảo luận bàn tròn.
Mở đầu Toạ đàm là tham luận của PGS, TS Trần Thị Anh Đào. Theo đó, PGS, TS Trần Thị Anh Đào đã nêu rõ những thành tựu của kinh tế Việt Nam kể từ khi thực hiện “Đổi Mới” với góc nhìn đa chiều. Bài trình bày cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại và mới nổi trong xã hội hiện đại, vai trò và vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới, đồng thời nêu bật những thử thách đối với Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa.
Tiếp nối chương trình, Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã trình bày tham luận về “Vai trò của khối xã hội và các chủ thể phi lợi nhuận trong phát triển bền vững của Việt Nam”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đưa ra luận điểm cơ bản là hội nhập của Việt Nam vào sân chơi toàn cầu không thể đơn thuần là bài toán kinh tế thiếu vắng nhân tố và động lực xã hội của con người, phát triển bền vững liên quan tới sự gắn kết xã hội và việc tạo điều kiện để phát huy năng lực của các thành viên trong xã hội.
Trong phần thảo luận bàn tròn, dưới sự chủ trì của PGS, TS Vũ Hoàng Nam và PGS, TS Trần Thị Anh Đào, TS Nguyễn Tú Anh tiếp tục chủ đề tọa đàm khi chỉ ra vấn đề của Việt Nam là chưa nội lực hóa được ngoại lực, tuy nhiên Việt Nam cũng đang làm tốt ở nhiều mặt như đưa con người là trung tâm và chủ thể của sự phát triển, đầu tư cho cơ sở hạ tầng để kết nối vùng sâu vùng xa…Đứng ở vị trí một nhà ngoại giao làm việc tại Việt Nam, GS Dominique Laffly nhận định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung hướng tới phát triển bền vững, muốn làm được điều đó vai trò của thế hệ trẻ và giáo dục là vô cùng quan trọng.
Phần trình bày của các diễn giả và khách mời đã nhận được nhiều sự quan tâm và câu hỏi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên. Ngoài các câu hỏi chuyên môn từ các giảng viên và nhà nghiên cứu, nhiều thảo luận sôi nổi và chia sẻ từ chính những người tham dự đã mang tới cho tọa đàm nhiều thông tin bổ ích và thiết thực.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, PGS, TS Vũ Hoàng Nam nhận định buổi tọa đàm đã đem tới nhiều kiến thức thú vị về quá trình hội nhập thế giới của Việt Nam từ góc nhìn Kinh tế chính trị quốc tế. Đặc biệt, Tọa đàm còn gợi mở những cách tiếp cận mới trong việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Những nội dung này rất bổ ích và có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chương trình cử nhân Kinh tế chính trị quốc tế tại Trường ĐH Ngoại thương.